Ý NGHĨA I GIĂNG 1 - ÁNH SÁNG CHO NHỮNG TÂM HỒN SAI LẠC

I Giăng 1 là một phân đoạn Kinh Thánh tuyệt vời vì nó bày tỏ cho chúng ta biết phương cách chuộc tội của Đức Chúa Trời. Nghiên cứu kỹ toàn bộ I Giăng 1 khiến chúng ta được đắm chìm trong dòng sông phước hạnh của tình yêu, ân sủng và sự sống nơi Chúa Cứu Thế Giê-su. Tuy vậy, từ nhiều năm qua nhiều người đã trích dẫn một câu Kinh Thánh rất nổi tiếng là I Giăng 1:9 để làm nền tảng giáo lý cho sự tha tội và sự cứu chuộc. Và qua câu Kinh Thánh đó, dường như việc xưng tội là hành động bắt buộc để một người ngoại trở thành tín hữu và của một tín hữu khi yếu đuối, phạm tội để tiếp tục được tha thứ và đủ tiêu chuẩn. Vì câu Kinh Thánh được viết bằng mệnh đề : "Nếu .... thì ....." cho nên khi đọc qua tất cả đều dường như chấp nhận rằng đó là câu điều kiện. Nhưng có phải như vậy không ? Qua bài viết này, hy vọng chúng ta sẽ cùng nhau học hỏi cả đoạn I Giăng 1 nhằm tìm hiểu đâu mới thật sự là ý nghĩa của I Giăng 1:9. 
I Giăng 1

I. LỜI CHỨNG THỰC CỦA GIĂNG VỀ LỜI SỰ SỐNG - TỨC LÀ VỀ CHÚA GIÊ-SU 



Điều có từ trước hết, là điều (tai) chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ,về lời sự sống; 2 vì sự sống đã bày tỏ ra, chúng tôi có thấy, và đang làm chứng cho, chúng tôi rao truyền cho anh em sự sống đời đời vốn ở cùng Đức Chúa Cha và đã bày tỏ ra cho chúng tôi rồi;3 chúng tôi lấy điều đã thấy đã nghe mà truyền cho anh em, hầu cho anh em cũng được giao thông với chúng tôi. Vả, chúng tôi vẫn được giao thông với Đức Chúa Cha, và với Con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ.4 Chúng tôi viết những điều đó cho anh em, hầu cho sự vui mừng của chúng tôi được đầy dẫy.

Đây rõ ràng là lời chứng của sứ đồ Giăng về sự hiện hữu thực tại bằng xương, bằng thịt của Lời sự sống là Chúa Cứu Thế Giê-su. Ông đã dùng nhiều lần các từ đã nghe (tai) , đã thấy, đã ngắm (bằng mắt), đã rờ (bằng tay) để minh chứng cho ý niệm đó. Lý do vì sao mà Giăng lại viết về điều này ngay từ đầu thư I Giăng ? Đây không phải là cách viết bình thường của các thư tín thời bấy giờ. Thông thường thì thơ phải có lời chào thăm, lời đạt cùng như khơi mở vấn đề. Nhưng không, tại đây Giăng đề cập thẳng vấn đề là bởi vì đây là bức thư đã có rõ ràng đối tượng của nó là dành đặc biệt cho nhóm tà giáo trí huệ phái, là loại tà giáo đang gây ảnh hưởng đến Hội Thánh thời bấy giờ. Họ quả quyết rằng Chúa Jesus đã không trở thành một con người bằng xương bằng thịt. Ngài vẫn là Đức Chúa Trời khi đến thế gian, vẫn là một thần linh. Vì vậy, sự chết của Ngài chỉ có ý nghĩa về tâm linh và muốn hiểu được chỉ có thể bằng việc đạt đến một nên tri thức nhất định. Đồng thời họ cũng tin rằng thể xác không ảnh hưởng đến sự cứu chuộc nên họ mặc dầu tuyên bố mình là Cơ-đốc nhân những vẫn sống buông thả, dâm dục và làm thỏa mãn xác thịt của mình bằng tình dục xấu xa.

II. MỆNH ĐỀ TIÊN KHỞI (MDTK)

5 Nầy là lời truyền giảng mà chúng tôi đã nghe nơi Ngài và truyền lại cho anh em rằng Đức Chúa Trời là sự sáng, trong Ngài chẳng có sự tối tăm đâu.
Đầu tiên, để lập luận bác bỏ sự sai lầm cũng như sự dối trá của những lí lẽ mà những người trí huệ phái đang tin thì Giăng đã đưa ra một mệnh đề tiên khởi có tính chân lý và tuyệt đối đúng. Không ai hoặc lí lẽ hoặc tri thức nào có thể chối bỏ được mệnh đề này. "Đức Chúa Trời là sự sáng, trong Ngài chẳng có sự tối tăm đâu." Dựa trên mệnh đề này Giăng đã đưa ra nhiều lập luận sắc bén, thuyết phục để minh chứng cũng như đưa ra phương án cho những người trí huệ phái để họ từ bỏ niềm tin sai trật và quay trở lại với Chúa Cứu Thế Giê-su. Ở những câu tiếp theo sứ đồ Giăng sử dụng phương pháp giả thiết tình huống để lập luận.

III. LẬP LUẬN CỦA SỨ ĐỒ GIĂNG DỰA TRÊN MDTK


1. BƯỚC ĐI TRONG SỰ SÁNG HAY TRONG TỐI TĂM

* Trường hợp 1: Vẫn đi trong sự tối tăm thì không thể nói rằng mình được giao thông cùng Đức Chúa Jesus Christ và đó là lời nói dối, không làm theo Lẽ thật.
6 Ví bằng chúng ta nói mình được giao thông với Ngài, mà còn đi trong sự tối tăm, ấy là chúng ta nói dối và không làm theo lẽ thật.
Nói dối và không làm theo Lẽ thật tức là không nhìn nhận Chúa Jesus là Lời Sự Sống đã được bày tỏ ra cách tỏ tường đến nổi TAI có thể NGHE, MẮT có thể THẤY và NGẮM NHÌN, TAY có thể RỜ được. 

Một Cơ-đốc nhân ý thức rất rõ rằng khi chúng ta tiếp nhận Chúa Jesus thì chính Ngài biến đổi và thay đổi chúng ta từ nơi tối tăm đến nơi sáng láng lạ lùng. Kinh nghiệm được gặp Chúa, kinh nghiệm tái sanh luôn luôn là một trãi nghiệm đặt biệt của mỗi người vì tại đó chúng ta được thấy ánh sáng lạ lùng của tình yêu, ân sủng và chân lý. Có thể mượn những câu thơ nổi tiếng của một nhà thơ khi họ bừng lên một chân lý: (thật ra tác giả của bài thơ này mượn ý từ Kinh Thánh nói về Chúa Jesus là Chân lý duy nhất).

"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ,
Mặt trời chân lý chói qua tim.
Hồn tôi là một vườn hoa lá,
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…"

Vậy nếu một người tuyên bố rằng mình được liên hiệp hay giao thông với Chúa Cứu Thế Giê-su sẽ không thể nào tiếp tục bước đi trong sự tối tăm. Đời sống cũ của chúng ta đã được đồng chết với Đấng Christ tại thập tự giá và chúng ta đồng sống lại với Ngài một cách vinh hiển, được biến đổi thành một tân tạo vật, lòng tràn đầy niềm vui, hạnh phúc, bình an và đặc biệt khao khát sống một cuộc đời tốt lành làm vinh hiển Danh Đấng Cứu Chuộc mình. Không phủ nhận, vẫn có đôi lúc chúng ta vẫn còn những yếu đuối, vấp váp trong cuộc đời nhưng những điều đó không thể nào so sánh, lấn áp hay dập tắt đi niềm vui, sự bình an cùng với sự tốt lành trong tình yêu với Chúa Cứu Thế Giê-su. Chúng ta có ngã nhưng bởi ân sủng của Chúa chúng ta sẽ chổi dậy và tiếp tục bước đi trong sự sống với Chúa Cứu Thế chúng ta như có chép rằng:

Châm Ngôn 24:16 Vì người công bình dầu sa ngã bảy lần, cũng chổi dậy;

Hay

Thi thiên 37:21-24

21 Kẻ ác mượn, mà không trả lại; Còn người công bình làm ơn, và ban cho.

22 Vì người mà Đức Chúa Trời ban phước cho sẽ nhận được đất; Còn kẻ mà Ngài rủa sả sẽ bị diệt đi.

23 Đức Giê-hô-va định liệu các bước của người, Và Ngài thích đường lối người:

24 Dầu người té, cùng không nằm sải dài; Vì Đức Giê-hô-va lấy tay Ngài nâng đỡ người.

* Trường hợp 2: Nếu chúng ta bước đi trong sự sáng thì được giao thông với các thánh đồ và Huyết Chúa Jesus là giải pháp cho mọi tội lỗi của chúng ta. 

7 Nhưng, nếu chúng ta đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau; và huyết của Đức Chúa Jêsus, Con Ngài, làm sạch mọi tội lỗi chúng ta.
Huyết Chúa Jesus là giải pháp tối thượng và là giải pháp duy nhất cho mọi tội lỗi của cả nhân loại này. Giải quyết vấn đề tội lỗi không hề có PHƯƠNG ÁN 2 và cũng không thể nào có PHƯƠNG ÁN BỔ SUNG. [giải thích rõ hơn ở phần dưới]

2. XƯNG MÌNH CÓ TỘI HAY KHÔNG CÓ TỘI

* Trường hợp 1: Nếu chúng ta nói mình không có tội thì chúng ta đang tự lừa dối mình và không hề có Lẽ Thật - là Chúa Jesus - ở trong chúng ta.
8 Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta.


Một người nếu nói rằng mình không có tội thì có nghĩa rằng người ấy không chấp nhận mình là một tội nhân và hẳn nhiên nếu không phải là tội nhân thì không cần Đấng Cứu Chuộc. Vì lẽ ấy, khi một người không thừa nhận mình là một tội nhân đáng chết, ô uế và dơ nhớp thì người ấy cũng sẽ đồng thời chối bỏ nhu cầu cần một Đấng Cứu Chuộc họ. Và như vậy, họ đang tự lừa dối chính mình, vì trên đời này ai ai cũng đều là tội nhân trước mặt Đức Chúa Trời. Tất cả nhân loại đều thiếu hụt khỏi tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời (Rô-ma 6:33). Chối bỏ nhu cầu cần một Đấng Cứu Chuộc thì hẳn nhiên là chối bỏ Đấng Cứu Chuộc. Chính vì lẽ ấy, sứ đồ Giăng khẳng định rằng Lẽ thật - là Chúa Jesus, là Đấng Cứu Chuộc - sẽ không thể nào ở trong những người như vậy.

Trường hợp 2: Nếu chúng ta xưng tội mình - tức là thừa nhận mình là một tội nhân thì Đức Chúa Trời là thành tín và công bình để tha tội cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác. 

9 Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.
Nếu chỉ tách rời câu số 9 của I Giăng 1:9 ra khỏi bối cảnh văn mạch mà chúng ta đang xem xét từ đầu thì không ai có thể chối cãi được dường như đây là câu điều kiện : "Nếu .... thì ....". Tuy nhiên, rõ ràng trong bối cảnh của toàn văn mạch thì đây không phải là câu điều kiện "Nếu... thì ....". Mà chữ "nếu .... thì....." ở đây phải được hiểu như là một tình huống giả thiết để lập luận đối ngược hoàn toàn với tình huống được đưa ra trong câu số 8. Ở câu số 8 thì ý nghĩa là:

Câu 8: Nếu một người nói rằng mình không có tội, thì người ấy không thừa nhận mình là tội nhân và không cần Đấng Cứu Chuộc. Như vậy, người đó đang tự lừa dối chính mình và không thể nào có Lẽ Thật ở trong họ.

Vậy I Giăng 1:9 phải được hiểu chính xác rằng:

Câu 9: Nếu xưng tội mình, tức là thừa nhận mình là một tội nhân và thừa nhận mình có nhu cầu cần một Đấng Cứu Chuộc là Chúa Jesus Christ. Khi thừa nhận Chúa Jesus là Đấng Cứu Chuộc duy nhất thì Đức Chúa Trời sẽ thành tín và công bình để tha mọi tội lỗi của chúng ta. Nan đề tội lỗi được giải quyết bởi vì chúng ta thừa nhận Đấng Cứu Chuộc cho chính mình chứ không phải là việc mình xưng hay kể lễ về tội lỗi.

Có những câu hỏi cũng cần được đặt ra là:
  • Đức Chúa Trời thành tín và công bình với điều gì để tha thứ mọi tội của chúng ta?
  • Có phải là Ngài thành tín với lời xưng tội của chúng ta không?
  • Có phải Ngài công bình khi tha tội cho chúng ta không?
Rõ ràng, Đức Chúa Trời không thể căn cứ trên sự thất tín để thực thi sự thành tín của Ngài bởi lẽ nếu Ngài làm như vậy thì Ngài sẽ trở nên không công bình. Ngài phải dựa trên một điều gì đó là thành tín, là toàn hảo, là không thể thay đổi thì Ngài mới có thể thành tín được. Vậy căn cứ để Đức Chúa Trời thành tín không thể dựa trên lời xưng tội hay kể lễ tội lỗi của chúng ta được vì:

a. Chúng ta hay quên tội để xưng cho đúng, đủ, kịp lúc.
b. Chúng ta thường xuyên bội tín với những gì mình xưng và những gì mình hứa. Nhiều lần xưng và cũng nhiều lần tái phạm ngay chính tội đã xưng.

Vậy Chúa căn cứ trên điều gì? Đức Chúa Trời đã căn cứ trên PHƯƠNG ÁN ở câu số 7: Ngài căn cứ trên Huyết của Chúa Jesus để tha thứ tội lỗi của chúng ta. Amen! Vì Huyết của Đấng Cứu Chuộc là Chúa Jesus Christ đã được đổ ra tại thập tự giá cách đây hơn 2000 năm cho nên khi chúng ta thừa nhận mình là tội nhân và chấp nhận Chúa Jesus là Đấng Cứu Chuộc mình, là của lễ hy sinh thay cho chính tội lỗi mình thì Đức Chúa Trời thành tín với Huyết của Chúa Jesus để tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta. Đức Chúa Trời thành tín với giao ước Ngài đã lập với Con Ngài tại thập tự giá, là giao ước trong Huyết Chúa Jesus đã được đổ ra để nhiều người được tha tội. Ha-lê-lu-gia! (Ma-thi-ơ 26:28)

Không thể xem PHƯƠNG ÁN BẰNG HUYẾT TRONG CÂU SỐ 7 như là PHƯƠNG ÁN 1 và câu 9 là PHƯƠNG ÁN 2Lại càng không thể xem câu số 9 là PHƯƠNG ÁN BỔ SUNG cho PHƯƠNG ÁN ở câu 7 vì như vậy thì sự chuộc tội bởi Huyết Chúa Jesus tại thập tự giá trở nên yếu kém, thậm chí là vô nghĩa cho toàn bộ chương trình cứu chuộc được bày tỏ qua toàn Kinh Thánh.


Khi chúng ta thừa nhận mình là một tội nhân cần Đấng Cứu Chuộc thì lúc ấy sự tha thứ của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta là hoàn toàn công bình theo bản tánh của Ngài. Chúng ta có tội nhưng Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã chịu chết thay cho tội chúng ta. Đức Chúa Trời không hề bất công khi tha thứ hoàn toàn tất cả mọi tội lỗi trong toàn bộ cuộc đời chúng ta khi chúng ta chấp nhận Chúa Jesus là Đấng Cứu Chuộc mình vì Ngài đã quy kể tội lỗi ấy cho Chúa Jesus là Đấng không hề biết tội lỗi, Đấng không hề phạm tội. Đức Chúa Trời đã bất công với Chúa Jesus để Ngài có thể trở nên công bình với bạn và tôi. Cho nên, sứ đồ Giăng khẳng định Đức Chúa Trời công bình để tha thứ mọi tội chúng ta và làm chúng ta sạch mọi điều gian ác. Amen!

Trường hợp 3: Nếu một người nói mình chẳng từng phạm tội thì chúng ta sẽ cho rằng tất cả những gì mà Chúa Jesus nói là những lời dối trá trắng trợn và rõ ràng lời Chúa không hề ở trong những người như vậy. 

10 Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối, lời Ngài không ở trong chúng ta.
Chúa Jesus đến thế gian này, Ngài chỉ cho thế giới thấy sự bất lực của con người để đạt đến tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Qua sự dạy dỗ của Ngài, tất cả mọi người đều phải cúi mặt, ngậm miệng mà thừa nhận sự bất lực của chính mình (câu chuyện người đàn bà tà dâm là một ví dụ điển hình). Đối với những người ý thức mình không đủ tiêu chuẩn thì Ngài bày tỏ cho họ tình yêu, ân sủng và lòng nhân từ của Ngài vì Chúa biết Ngài sẽ chịu chết thay cho họ sau đó tại thập tự giá . Nhưng đối với những kẻ kiêu ngạo, tự cho rằng mình là hoàn hảo, là công bình dựa theo việc tuân giữ luật pháp Cựu ước thì Chúa Jesus chỉ trích, cảnh cáo và nghiêm khắc chỉ ra rằng họ không hề công bình dẫu cho có cố gắng vâng giữ tất cả luật pháp Cựu ước (chàng trai trẻ ở Ca-in). Ngài chứng minh được rằng tất cả mọi người đều đã, đang và sẽ phạm tội bằng cách này hay cách khác vì bản chất tội lỗi xấu xa đã chiếm ngự lấy con người. Không một ai công bình. Để rồi cuối cùng Ngài chết trên thập tự để minh chứng rằng chỉ có một giải pháp để con người đến cùng Đức Chúa Trời, chỉ có một con đường để đến Thiên Đàng, chỉ có một cánh cửa để bước vào sự tự do và chỉ có một giải pháp cho con người để trở nên đủ tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời là chấp nhận sự chết thay của Ngài tại thập tự giá.

Cho nên, tại đây I Giăng 1:10, sứ đồ Giăng đưa ra tình huống rằng nếu một người nói rằng mình chẳng từng phạm tội thì người đó đang cho rằng những gì mà Chúa Jesus dạy.và những gì Chúa Jesus làm tại thập tự giá là dối trá và bịp bợm. Và rõ ràng những gì Chúa Jesus dạy trở nên vô nghĩa với những người như vậy.

Tóm lại: 

Qua việc phân tích cú pháp, câu từ và ý nghĩa của toàn bộ I Giăng 1 thì sẽ khiến chúng ta nhìn thấy sự tốt lành của Đức Chúa Trời và giải pháp của Ngài cho nan đề tội lỗi và lối sống trong tối tăm của con người là nhờ Huyết của Chúa Jesus Christ tại thập tự giá. Nó cũng giúp cho chúng ta hiểu một cách rõ ràng câu Kinh Thánh I Giăng 1:9 không thể nào là điều kiện để nhận được sự tha thứ từ nơi Đức Chúa Trời. Ngày nay, nhiều Cơ-đốc-nhân đã sử dụng câu Kinh Thánh này như là một điều kiện tất yếu để họ được tha thứ mỗi khi có lỗi lầm, yếu đuối và phạm tội trong đời sống Cơ-đốc của mình cũng như của những tín hữu khác trong cộng đồng Cơ-đốc. Thay vì đọc Lời Chúa cách cẩn thận và xem xét một cách thấu đáo để nhìn thấy sự tuyệt vời của giải pháp tối thượng nơi Đức Chúa Trời qua I Giăng 1 thì nhiều người trong chúng ta lại chỉ sống dựa trên sự vận dụng một cách thiếu suy xét chỉ 1 câu Kinh Thánh I Giăng 1:9.

Sự dạy dỗ rằng, mỗi tối khi bạn đi ngủ, hoặc trước khi bạn đến Hội Thánh hay trước khi làm công tác thuộc linh bạn cần phải cố gắng nhớ và xưng hết tội lỗi trong đời sống để được Chúa thanh tẩy và tha thứ là một sự nhầm lẫn tệ hại trong Hội Thánh Chúa nhiều năm tháng qua trong việc trích dẫn ngang một câu Kinh Thánh I Giăng 1:9 để làm nền tảng.

Đành rằng, việc chúng ta thừa nhận tội lỗi là một hành động tốt bày tỏ sự khiêm nhường và hạ mình của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời nhưng việc xưng tội rõ ràng không làm thay đổi được tội lỗi của chúng ta và càng không làm thay đổi cái nhìn của Đức Chúa Trời về chúng ta. Chúng ta không hề chứa chấp tội lỗi khi nhận thức rằng chính vì tội lỗi của chúng ta mà Chúa Jesus phải chịu chết trên thập tự. Không cần phải dấu diếm tội lỗi của bạn khi biết rằng nó đã được tha thứ. Nếu ý thức rằng mình đã được tha thứ thì tôi sẽ xem việc nói ra hay kể lại (để làm kinh nghiệm) là một điều vui mừng vì tôi đã phạm nhưng đã được tha thứ một cách lạ lùng do sự chết của Chúa Jesus. Còn nếu tối không ý thức sự tha thứ và nghĩ rằng mình cần phải nói ra để được tha thứ thì điều đó khiến tôi xấu hổ, ngượng ngùng và trở nên giả dối khi nhiều lần xưng ra để nhận tha thứ và rồi lại tái phạm dài dài.

Ngày hôm nay, bạn và tôi là một tạo vật mới bởi Huyết của Chúa Jesus đã đổ ra để mua chuộc chúng ta. Hãy nhận thức về sự công bình và thánh khiết mà bạn có qua Chúa Jesus sẽ giúp bạn trở nên đắc thắng mọi tội lỗi trong đời sống của mình. Bạn sẽ dễ dàng tha thứ khi biết rằng mình đã được tha thứ. Đức Chúa Trời không căn cứ trên việc làm của bạn để tha thứ bạn, Ngài căn cứ trên Huyết của Con Ngài và việc làm của Chúa Jesus tại thập tự giá. Ngài căn cứ trên Giao ước mới được thiết lập trong Huyết tại thập tự giá. Đừng sử dụng I Giăng 1:9 cho chính mình cũng như người khác như là điều kiện để nhận được sự tha tội từ nơi Đức Chúa Trời. Thay vào đó, hãy nhìn lên Chúa Jesus và Huyết của Ngài tại nơi thập tự giá. Hãy nhìn lên giao ước mà bạn và tôi được bước vào. Hãy nhìn lên sự tốt lành của Chúa Cứu Thế chúng ta. Amen!


Joshua Phạm
Tags: , ,

Lời cảm ơn

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn thấy bài viết khích lệ và có ích cho bạn xin vui lòng chia sẻ nó cho những người khác mà bạn quen biết. Như vậy, bạn đã, đang và sẽ cùng tôi chia sẻ về niềm vui trong Chúa Cứu Thế Jesus Chúa chúng ta! Xin cảm ơn bạn! Joshua Phạm
x

Đăng ký nhận bài mới từ Amazing Love

Bằng cách đăng ký nhận bài mới từ Amazing Love qua Email, bạn sẽ luôn được cập nhật những bài viết mới nhất mà không bỏ sót bất cứ bài nào từ tinhyeulalung.blogspot.com

Lưu ý : Vui lòng đăng nhập hòm thư của bạn để kích hoạt dịch vụ trước khi sử dụng.

Nhập địa chỉ Email của bạn:

Delivered by FeedBurner

QUAY LÊN TRÊN