Trong bản chất con người có điều gì đó khiến chúng ta muốn có những hành động cực đoan, một nhược điểm làm cho con cái Chúa không hoàn toàn tự do. “Vì chúng ta được cứu bởi ân điển”, một số người lý luận, “chúng ta được tự do sống tuỳ thích”, đó là thái độ tuỳ tiện.
Số người khác lập luận, “Nhưng chúng ta không thể làm ngơ với luật pháp Đức Chúa Trời được. Chúng ta được cứu nhờ ân điển là điều chắc chắn nhưng chúng ta phải sống dưới luật pháp nếu chúng ta muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời”. Đây là thái độ đề cao luật pháp.
Phao-lô trả lời nhóm người đầu tiên trong chương 6, nhóm thứ hai được trả lời trong chương 7. Chữ luật pháp được dùng 23 lần trong chương này. Ở chương 6, Phao-lô dạy chúng ta cách nào thôi không làm điều xấu ở chương 7 ông dạy thế nào không làm điều lành. Ông lý luận, “Anh em không được xưng công bình bởi việc giữ luật pháp, và bạn không thể được thánh hoá do việc gìn giữ luật pháp.”
Mỗi con cái Chúa lớn lên hiểu được kinh nghiệm trong Rô-ma chương 6 và 7. Một khi chúng ta học biết cách “biết, kể mình như là, và qui phục”, chúng ta bắt đầu chiến thắng được các thói quen của xác thịt, và chúng ta cảm thấy rằng chúng ta đang trở nên thiêng liêng hơn. Chúng ta tự lập cho mình các tiêu chuẩn và lý tưởng cao đẹp và dường như trong khoảnh khắc chúng ta đạt được tất cả những điều đó. Rồi mọi sự đổ sập! Chúng ta bắt đầu nhìn lại lòng mình và khám phá ra rằng chúng ta không biết rằng tội lỗi vẫn còn ở đó. Luật pháp thánh khiết của Đức Chúa Trời nhận năng quyền mới, và chúng ta tự hỏi liệu chúng ta có làm điều tốt nào chăng! Không nhận ra điều đó, chúng ta đã bước vào “sự giữ luật pháp” và học biết chân lý về tội lỗi, luật pháp, và về chính chúng ta.
“Làm theo luật pháp” thật sự là gì? Đó là lòng tin rằng tôi có thể trở nên thánh khiết và làm đẹp lòng Đức Chúa Trời bởi việc vâng giữ điều răn. Đó là trình độ thuộc linh được đánh giá qua hàng loạt những việc làm và những việc không làm. Nhược điểm của việc tuân giữ luật pháp đó là thấy những hành vi tội lỗi nhưng không thấy gốc rễ của tội lỗi. Xét đoán theo bề ngoài chớ không theo bề trong. Hơn nữa, người làm theo luật pháp không hiểu mục đích thật sự của luật pháp Đức Chúa Trời và mối quan hệ giữa luật pháp và ân điển.
Trong đời sống của mình tôi đã từng trải qua những mất mát nặng nề về thuộc linh lẫn tình cảm vì đã cố sức sống nếp sống thánh khiết trên những tiêu chuẩn cao. Tôi đã nhận thấy hậu quả của những nổ lực này: hoặc mình trở thành người giả vờ, hoặc là nếm mùi thất bại và chỉ muốn bỏ hết những khát khao sống nếp sống tin kính. Tôi cũng thấy nhiều người tuân giữ luật pháp cực kỳ nghiêm khắc với người khác - họ chỉ trích, không yêu thương và không tha thứ. Phao-lô muốn cho các độc giả của ông tránh được kinh nghiệm nguy hiểm và khó khăn này. Trong Rô-ma chương 7, ông bàn đến ba chủ đề, nếu hiểu và áp dụng sẽ giải thoát chúng ta khỏi việc tuân giữ luật pháp.
1. Thẩm quyền của luật pháp (Ro 7:1-6)
Các câu Kinh Thánh này thực sự tiếp tục việc bàn luận Phao-lô bắt đầu trong Ro 6:15, trả lời cho câu hỏi, “Chúng ta có phạm tội vì không ở dưới luật pháp nhưng dưới ân điển không?”. Ông dùng minh hoạ một người chủ và tên đầy tớ để giải thích cách nào con cái Chúa vâng phục Đức Chúa Trời. Trong phân đoạn này ông dùng minh hoạ người chồng và người vợ để cho thấy người tin Chúa có mối quan hệ mới đối với luật pháp vì họ đã liên hiệp với Chúa Giê-xu Christ.
Minh hoạ này là một hình ảnh đơn giản, nhưng có bài học sâu sắc. Khi một người nam người nữ lập gia đình, họ được kết hiệp để sống với nhau. Hôn nhân là mối liên kết xác thịt (“Cả hai nên một thịt” Sa 2:24) và mối liên kết này chỉ có thể bị phá vỡ do một nguyên nhân thể chất khác. Nguyên nhân ấy là sự chết (Mat 5:31-34 19:1-12 cho thấy rằng không chung thuỷ cũng phá vỡ sự ràng buộc hôn nhân, nhưng Phao-lô không đưa ra điểm này. Ông không có ý bàn luận về hôn nhân và li dị nhưng ông muốn dùng hôn nhân để minh hoạ một quan điểm).
Họ còn sống bao lâu, người chồng người vợ còn ở dưới quyền của luật hôn nhân. Nếu người vợ bỏ chồng và cưới người đàn ông khác, nàng phạm tội ngoại tình. Nhưng nếu người chồng chết, nàng tự do tái giá vì nàng không còn là người vợ nữa. Chính sự chết đã phá vỡ mối liên hệ hôn nhân và để nàng tự do.
Bài học của Phao-lô trong câu 4 đến câu 6 giải quyết xong lập luận. Ông nêu lên hai sự kiện tuyệt diệu để giải thích cho mối quan hệ của con cái Chúa đối với luật pháp
a. Chúng ta chết đối với luật pháp (Ro 7:4)
- Dường như Phao-lô mâu thuẫn với minh hoạ của ông nhưng không phải vậy. Khi chúng ta chưa được cứu (“trong xác thịt.”, Ro 7:5), chúng ta ở dưới quyền sai khiến của luật pháp Đức Chúa Trời. Chúng ta bị luật pháp ấy lên án Khi chúng ta tin nhận Đấng Christ và làm một cùng Ngài, chúng ta chết đối với luật pháp giống như chúng ta chết đối với xác thịt (Ro 6:1-10). Luật pháp không chết nhưng chúng ta chết.
Nhưng trong hình ảnh Phao-lô minh hoạ về hôn nhân, chính người chồng chết và người vợ lập gia đình trở lại. Nếu bạn và tôi tiêu biểu cho người vợ và luật pháp tiêu biểu cho người chồng, thế thì bài học áp dụng không theo hình ảnh minh hoạ. Nếu người vợ trong minh hoạ chết, phương cách duy nhất nàng có thể lập gia đình trở lại là sẽ phải trở về từ cõi chết. Nhưng đó lại chính xác là điều Phao-lô muốn dạy! Khi tin nhận Đấng Christ, chúng ta đã chết đối với luật pháp nhưng trong Đấng Christ, chúng ta sống lại từ cõi chết và hiện nay chúng ta hiệp làm một với Đấng Christ để sống một nếp sống mới!
Luật pháp đã không chết, vì luật pháp Đức Chúa Trời vẫn còn cai trị trên con người. Chúng ta chết đối với luật pháp, và luật pháp không còn sai khiến chúng ta nữa. Nhưng chúng ta không sống “vô luật pháp” nhưng chúng ta liên hiệp làm một với Đấng Christ, dự phần trong sự sống của Ngài, và vì vậy chúng ta bước đi “trong đời mới”. Ro 8:4 đưa lập luận đến cao điểm: “Hầu cho sự công bình mà luật pháp buộc phải làm được trọn trong chúng ta, là kẻ chẳng noi theo xác thịt, nhưng noi theo Thánh Linh.” Trong nếp sống cũ tội lỗi, chúng ta sanh ra bông trái “sự chết”, nhưng trong nếp sống mới ân điển, chúng ta “sanh bông trái trong Đức Chúa Trời”. “Chết đối với luật pháp” không có nghĩa là chúng ta sống nếp sông vô luật pháp. Điều đó chỉ mang nghĩa là sự thúc đẩy và động lực trong nếp sống chúng ta không xuất phát từ luật pháp: Nó xuất phát từ ân điển của Đức Chúa Trời qua việc hiệp làm một với Đấng Christ.
b. Chúng ta được buông tha khỏi luật pháp (7:6)
- Đây là lời kết luận lô-gíc: Luật pháp không thể thi hành quyền cai trị trên người đã chết. Bản Kinh Thánh chính thức viết như thể luật pháp đã chết nhưng Phao-lô viết “chúng ta đã chết về luật pháp là đều bắt buộc mình...”. Chết có nghĩa là buông tha (lưu ý Ro 6:9-10). Nhưng chúng ta được buông tha để chúng ta có thể hầu việc. Nếp sống Cơ Đốc không phải là nếp sống độc lập và nổi loạn. Chúng ta đã chết đối với luật pháp để chúng ta có thể “hiệp làm một với Đấng Christ”. Chúng ta được buông tha khỏi luật pháp để chúng ta có thể phục vụ Đấng Christ. Chân lý này bác bỏ luận điệu xuyên tạc rằng Phao-lô dạy sự vô luật pháp.
Sự hầu việc Cơ Đốc tương phản với nếp sống cũ tội lỗi có gì khác biệt? Trước tiên, Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời ban năng lực cho chúng ta khi chúngta tìm cách vâng phục và hầu việc Chúa. (Chữ Thánh Linh phải được viết hoa trong câu 6 - “cách mới của Thánh Linh”). Dưới luật pháp, chẳng có sự giúp sức nào cả. Mạng lệnh của Đức Chúa Trời được viết trên bảng đá và được đọc cho dân sự nghe. Nhưng dưới Ân điển, Lời Đức Chúa Trời được chép trong lòng chúng ta (IICo 3:1-3). Chúng ta “bước đi trong đời mới” (Ro 6:4) và hầu việc “trong cách mới của Thánh Linh”. Vậy thì người tin Chúa không còn ở dưới quyền của luật pháp nữa.
2. Công việc của luật pháp (Ro 7:7-13)
Những người phản đối Phao-lô đã sẵn sàng! “Luật pháp có ích gì khi chúng ta không cần đến nữa? Sao, một lời dạy như của bạn lại làm cho Luật Pháp thành tội lỗi à!”. Trong câu trả lời cho sự phản đối ấy, Phao-lô giải thích các công việc của luật pháp, các chức năng vẫn còn hợp với ngày nay.
a. Luật pháp bày tỏ tội lỗi (Ro 7:7)
- “Vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi” (Ro 3:20). “Đâu không có luật pháp, thì đó cũng không có sự phạm luật pháp” (Ro 4:15). Luật pháp là cái gương phơi bày cho chúng ta thấy con người bên trong và chỉ cho thấy chúng ta ô uế như thế nào (Gia 1:22-25). Hãy lưu ý Phao-lô không dùng tội giết người, ăn cắp hoặc ngoại tình trong bài sự thảo luận nhưng ông dùng sự tham muốn. Đây là điều cuối cùng trong Mười Điều Răn, và nó khác với chín điều còn lại nó nói đến thái độ bên trong chớ không phải hành động bên ngoài. Sự tham muốn dẫn đến sự vi phạm các điều răn khác! Đó là tội lỗi không thấy được mà hầu hết mọi người chẳng hề nhận ra trong cuộc đời của họ, nhưng luật pháp đã phơi bày điều đó.
Vị Quan Giàu Có trong Mac 10:17-27 là ví dụ hay về việc sử dụng luật pháp để bày tỏ tội lỗi và chỉ cho con người thấy họ cần đến Đấng Cứu Rỗi. Người trai trẻ có nếp sống đạo đức bên ngoài, nhưng chàng ta chẳng bao giờ đối mặt với tội lỗi bên trong. Chúa Giê-xu không dạy cho chàng ta về luật pháp vì luật pháp sẽ cứu anh ta nhưng Ngài dạy anh ta về luật pháp vì chàng trai không nhận ra tình trạng tội lỗi của mình. Quả thật vậy, chàng trai chưa hề phạm tội ngoại tình, không cướp giựt của ai, không làm chứng dối, hoặc sỉ nhục cha mẹ mình nhưng còn tính tham lam thì sao? Khi Chúa Giê-xu dạy chàng ta phải bán của cải mình và bố thí cho kẻ nghèo, chàng ta buồn bã bỏ đi. Điều răn “Ngươi chớ tham lam” đã bày tỏ cho chàng ta thấy mình thật sự là một tội nhân! Thay vì thừa nhận tội lỗi, chàng ta từ chối Đấng Christ và bỏ đi trong sự vô tín.
b. Luật pháp phát sinh tội lỗi (Ro 7:8-9)
- Vì Phao-lô là một người Pha-ri-si sùng đạo, ra sức vâng giữ luật pháp trước khi trở lại với Chúa, cho nên chúng ta dễ dàng hiểu các câu Kinh Thánh này hơn. (Hãy đọc Phi 3:1-11 và Ga 1:1-24 để có thêm dữ kiện về tiểu sử của Phao-lô trong mối quan hệ của ông đối với luật pháp trong những ngày chưa tin Chúa). Cũng hãy nhớ rằng “sức mạnh của tội lỗi là luật pháp” (ICo 15:56). Vì chúng ta có bản chất tội lỗi, nên luật pháp chắc chắn phát sinh ra bản chất ấy giống như cách thỏi nam châm hút sắt vậy.
Trong bản chất con người có điều gì đó muốn phản đối lại bất cứ khi nào một điều luật được ban ra. Tôi đang đứng trong công viên Lincoln tại Chicago, nhìn thấy các băng ghế được sơn mới lại và tôi chú ý đến một dấu hiệu ghi trên mỗi băng ghế: “Đừng sờ vào”. Khi tôi chăm chú nhìn, tôi thấy có nhiều người cố tình đưa tay sờ vào sơn ướt! Tại sao như vậy? Vì dấu hiệu bảo họ đừng sờ vào! Hãy bảo một đứa bé không đừng lại gần nước, và đó chính là việc nó sẽ làm! Tại sao? “Vì sự chăm về xác thịt nghịch với Đức Chúa Trời, bởi nó không phục dưới luật pháp Đức Chúa Trời, lại không thể phục được.” (Ro 8:7).
Người tin Chúa tìm cách sống theo luật lệ và khuôn phép khám phá ra rằng hệ thống luật lệ của họ chỉ phát sinh thêm tội lỗi và tạo ra thêm nhiều rắc rối. Các Hội Thánh tại Ga-la-ti rất chuộng làm theo luật pháp, và họ gánh lấy mọi rối reng. “Nhưng nếu anh em cắn nuốt nhau, thì hãy giữ, kẻo kẻ này bị diệt mất bởi kẻ khác” (Ga 5:15). Việc vâng giữ luật pháp không làm cho họ thêm thiêng liêng hơn nhưng nó làm cho họ thêm tội lỗi! Vì sao? Bởi luật pháp sinh ra tội lỗi trong bản chất chúng ta.
c. Luật pháp giết chết (Ro 7:10-11)
- “Vậy thì luật pháp nghịch cùng lời hứa của Đức Chúa Trời hay sao? Chẳng hề như vậy, vì nếu đã ban cho một luật pháp có thể làm cho sống, thì sự công bình chắc bởi luật pháp mà đến” (Ga 3:21). Nhưng luật pháp không thể ban sự sống: Luật pháp chỉ phơi bày cho tội nhân thấy rằng họ có tội và bị lên án. Điều này giải thích tại sao Cơ Đốc nhân và Hội Thánh không lớn lên và không sanh bông trái thuộc linh. Họ đang sống theo luật pháp, và luật pháp luôn luôn giết hại. Nhiều điều phải chết hơn là một Hội Thánh khuôn mẫu hãnh diện về “những tiêu chuẩn cao” và cố tìm cách sống theo những tiêu chuẩn ấy bằng sức riêng của mình. Thường thì các thành viên trong Hội Thánh như vậy bắt đầu xét đoán và lên án lẫn nhau, và kết cuộc là Hội Thánh tranh cạnh và rồi chia rẽ để lại sự giận dữ và cay đắng.
Khi người mới tin Chúa lớn lên, họ bước vào mối liên hệ với các triết lý khác nhau của nếp sống Cơ Đốc. Người ấy có thể đọc các sách, tham dự các buổi hội thảo, nghe các băng từ, và thu nhận nhiều thông tin. Nếu họ không cẩn thận, họ sẽ chạy theo người lãnh đạo và chấp nhận các lời dạy của người ấy như là Luật lệ. Việc thực hành này là hình thức tinh vi của việc làm theo luật pháp, và nó giết chết sự trưởng thành thuộc linh. Chẳng có thầy giáo nào có thể thay thế cho Đấng Christ được chẳng có quyển sách nào có thể thay cho Kinh Thánh được. Con người có thể cung cấp thông tin cho chúng ta, nhưng chỉ có Đức Thánh Linh mới có thể cho chúng ta sự sáng và giúp chúng ta hiểu được các chân lý thuộc linh. Đức Thánh Linh soi sáng cho chúng ta và giúp chúng ta chẳng có người hướng dẫn nào thuộc về con người có thể làm điều đó.
d. Luật pháp chỉ ra tình trạng của tội lỗi (Ro 7:12-13)
- Người không được cứu biết rằng có một tội lỗi như vậy nhưng họ không nhận ra tình trạng của tội lỗi. Nhiều Cơ Đốc nhân không nhận biết bản chất thật của tội lỗi. Chúng ta biện hộ cho tội lỗi chúng ta phạm bằng những chữ như “lầm lỗi” hoặc “yếu đuối” nhưng Đức Chúa Trời lên án tội lỗi chúng ta và Ngài tìm cách cho chúng ta hiểu rằng chúng “cực kỳ là tội lỗi”. Cho đến khi chúng ta nhận biết tội lỗi thật sự gớm ghiếc như thế nào, chúng ta sẽ chẳng bao giờ muốn phản đối và muốn sống trong chiến thắng.
Lập luận của Phao-lô ở đây thật tuyệt vời: (1) Luật pháp không mắc tội - Luật pháp là thánh, công bình và tốt lành (2) nhưng luật pháp bày tỏ tội lỗi, làm thức tỉnh tội lỗi, rồi sau đó dùng tội lỗi để làm chết chúng ta nếu có điều nào đó tốt như luật pháp làm thành những kết quả này, thì điều ấy có chỗ nào đó sai trật sai (3) kết luận: hãy xem tình trạng của tội lỗi như thế nào khi nó dùng một điều tốt nào đó như luật pháp để tạo ra những kết quả bi thảm như vậy. Quả thật tội lỗi “cực kỳ ác”. Vấn đề không liên quan đến luật pháp nhưng vấn đề liên quan đến bản chất tội lỗi của tôi. Điều này mở đường cho chủ đề thứ ba trong chương này.
3. Sự bất năng của luật pháp (Ro 7:14-25)
Đã giải thích luật pháp cần phải làm gì, bây giờ Phao-lô giải thích những việc luật pháp không thể làm.
a. Luật pháp không thể thay đổi bạn (Ro 7:14)
- Tính chất của luật pháp được mô tả trong bốn chữ: thánh, công bình, tốt lành và thiêng liêng. Không ai có thể phủ nhận luật pháp là thánh và công bình, vì luật pháp đến từ Đức Chúa Trời thánh khiết hoàn toàn chính trực trong mọi lời nói và việc làm của Ngài. Luật pháp là tốt. Nó bày tỏ cho chúng ta sự thánh khiết của Đức Chúa Trời và giúp chúng ta hiểu chúng ta cần đến Đấng Cứu Rỗi.
Có ý gì khi nói rằng luật pháp là “thiêng liêng”? Có nghĩa là luật pháp nói đến người bề trong, phần thiêng liêng của con người, cũng như các hành động bên ngoài. Trong sự ban cho ban đầu của luật pháp chép trong sách Xuất Ê-díp-tô ký, điểm nhấn mạnh nằm ở các việc làm bên ngoài. Nhưng khi Môi-se trình bày lại luật pháp trong sách Phục-truyền luật lệ ký, ông nhấn mạnh chất lượng bên trong của luật pháp khi nó liên quan đến lòng con người. Điểm nhấn mạnh thuộc linh này được nêu rõ trong Phu 10:12-13. Sự lặp lại của chữ “yêu thương” trong Phục-truyền cũng cho thấy rằng ý nghĩa sâu xa của luật pháp có liên quan đến lòng con người (Phu 4:37 6:4-6 10:12 11:1 30:6,6,20).
Bản chất của chúng ta là xác thịt nhưng bản chất của luật pháp là thiêng liêng. Điều này giải thích tại sao bản chất cũ phản ứng lại với luật pháp như nó đã làm. Người ta nói rõ, “Bản chất cũ không biết luật pháp, bản chất mới không cần đến luật pháp.” Luật pháp không thể biến đổi bản chất cũ nó chỉ có thể cho thấy bản chất tội lỗi con người như thế nào. Người tin Chúa cố tìm cách sống dưới luật pháp sẽ chỉ khơi dậy bản tánh cũ chớ không xoá nó đi.
b. Luật pháp không thể giúp bạn làm điều thiện (Ro 7:15-21)
- Trong phân đoạn này ba lần Phao-lô nói đến tội lỗi ấy ngự trị trong chúng ta (Ro 7:14,18,20). Dĩ nhiên, ông có ý muốn nhắc đến con người cũ. Cũng thật đúng Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta và trong Ro 8:1-39 Phao-lô giải thích thế nào Thánh Linh Đức Chúa Trời giúp chúng ta có thể sống trong đắc thắng, một việc luật pháp không thể giúp chúng ta được.
Trong phần này có nhiều đại từ cho thấy tác giả muốn liên hệ vấn đề đến cái tôi. Điều này không nói rằng Cơ Đốc nhân bị chứng tâm thần phân liệt, vì anh ta không phải như vậy. Sự cứu rỗi làm cho con người trở nên trọn vẹn. Nhưng cho thấy rằng tâm trí, ý chí, và thân thể có thể bị bản chất cũ hoặc bản chất mới cai trị, bởi xác thịt hoặc bởi Thánh Linh. Các câu này cho thấy người tin Chúa có hai nan đề nghiêm trọng: (1) họ không thể làm điều thiện mình muốn làm, và (2) họ làm điều xấu mình không muốn làm.
Điều này có nghĩa Phao-lô không thể ngăn chính mình không vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời, có nghĩa là ông ta là kẻ nói dối, trộm cắp và giết người phải không? Dĩ nhiên là không! Phao-lô có ý muốn nói về chính mình ông rằng ông ta không thể vâng theo luật pháp Đức Chúa Trời và ngay cả khi ông ta đã làm theo luật pháp, điều xấu vẫn hiện hữu với ông. Cho dù đã làm điều gì chăng nữa, thì các việc làm của Phao-lô cũng bị tội lỗi làm cho ô uế. Ngay sau khi ông làm hết sức mình, ông đã thừa nhận rằng ông là “đầy tớ vô ích” (Lu 17:10). “Vậy tôi thấy có luật này trong tôi: khi tôi muốn làm lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi” (Ro 7:21). Dĩ nhiên, đây là vấn đề khác với vấn đề trong Ro 6:1-23. Vấn đề ở đó là “Làm thế nào tôi có thể thôi làm điều xấu?” còn vấn đề ở đây là “Làm thế nào tôi có thể làm điều thiện được?”
Người theo luật pháp nói, “Hãy vâng giữ luật pháp, bạn sẽ làm điều thiện và sống nếp sống đạo đức”. Nhưng luật pháp chỉ bày tỏ và sanh ra tội lỗi, luật pháp chỉ cho thấy tình trạng của tội lỗi! Tôi không thể vâng giữ luật pháp vì tôi mang bản chất tội lỗi chống lại luật pháp. Cho dù tôi cho rằng tôi đã làm điều thiện, tôi cũng biết rằng điều dữ vẫn hiện diện. Luật pháp là thiện, nhưng do bản chất tôi là xấu! Vì vậy, người vâng giữ luật pháp là sai lầm: Luật pháp không thể giúp chúng ta làm điều thiện được.
c. Luật pháp không thể cho bạn tự do (Ro 7:21-24)
- Tâm trí của người tin Chúa thường bị cám dỗ để suy nghĩ hoặc tự thuyết phục bản thân rằng: "Tôi sẽ thoát khỏi các tội lỗi cũ này! Bây giờ tôi quyết định tôi sẽ không làm điều này nữa”. Điều gì xảy ra? Anh ta cố hết ý chí và sức lực, và anh ta thành công một thời gian nhưng rồi khi anh ta lơ là, anh ta lại sa ngã trở lại. Tại sao vậy? Vì anh ta ra sức dùng luật pháp chế ngự con người cũ của mình, nhưng luật pháp không thể nào buông tha chúng ta thoát khỏi con người cũ. Khi hành động dưới sự cai trị của luật pháp, bạn chỉ làm cho con người cũ trở nên mạnh mẽ hơn vì “sức mạnh của tội lỗi là luật pháp” (ICo 15:56). Thay vì làm máy phát điện cung cấp cho chúng ta năng lượng để chiến thắng, luật pháp lại là thỏi nam châm hút ra từ chúng ta mọi thứ tội lỗi và băng hoại. Con người bên trong có thể thích thú luật pháp Đức Chúa Trời (Thi 119:35), nhưng con người cũ thích phạm luật pháp Đức Chúa Trời. Người tin Chúa sống dưới sự cai trị của luật pháp trở nên mệt mỏi và nản lòng là lẽ bình thường, và cuối cùng sẽ bỏ cuộc giữa đường! Họ là một tù nhân, thân phận của họ thật “khốn khổ” (Trong tiếng Hy Lạp chữ này cho thấy một người kiệt sức sau trận chiến đấu). Thật chẳng có gì khốn khổ hơn một khi tiêu hao hết sức lực để cố gắng sống nếp sống tốt lành, để rồi chỉ khám phá ra rằng điều tốt nhất bạn làm vẫn chưa tốt đủ!
Có lối thoát nào không? Dĩ nhiên là có! “Cảm tạ Đức Chúa Trời nhờ có Chúa Giê-xu Christ, là Chúa chúng ta Đấng giải cứu tôi!”. Vì người tin Chúa hiệp làm một với Đấng Christ, họ chết đối với luật pháp và chẳng còn thuộc dưới quyền cai trị của luật pháp nữa. Nhưng họ sống cho Đức Chúa Trời và có thể nhận được quyền năng Đức Thánh Linh. Lời giải thích chiến thắng này được chép trong Ro 8:1-39.
Câu cuối trong chương không dạy rằng người tin Chúa sống nếp sống hai mặt: sống trong xác thịt tội lỗi nhưng hầu việc Đức Chúa Trời bằng tâm trí. Điều này có nghĩa thân thể của họ được sử dụng hai cách khác nhau cùng một lúc, điều này không thể được. Người tin Chúa nhận ra rằng có sự giằng co xảy ra bên trong anh ta giữa xác thịt và Thánh Linh (Ga 5:16-18), nhưng họ biết rằng hoặc xác thịt hoặc Thánh Linh sẽ làm chủ.
Dùng chữ “trong trí” Phao-lô muốn nói đến “người bên trong” (Ro 7:22) trái với “xác thịt” (Ro 7:18). Ông nói rõ ý nghĩ này trong Ro 8: 5-8. Người cũ không thể làm điều thiện nào cả. Mọi điều Kinh Thánh dạy về con người cũ đều tiêu cực: “chẳng có điều gì tốt” (Ro 7:18) “không để lòng tin cậy trong xác thịt” (Phi 3:3). Nếu chúng ta nhờ cậy vào năng lực của xác thịt, chúng ta không thể hầu việc Đức Chúa Trời, làm đẹp lòng Ngài, hoặc làm bất cứ điều gì tốt cả. Nhưng nếu chúng ta vâng phục Đức Thánh Linh, chúng ta nhận được năng lực cần có để vâng theo ý muốn Ngài. Xác thịt chẳng bao giờ phục vụ luật pháp Đức Chúa Trời vì xác thịt nghịch thù với Đức Chúa Trời. Nhưng Thánh Linh chỉ có thể vâng theo luật pháp của Đức Chúa Trời! Do đó, bí quyết của việc làm điều lành là phải vâng phục Đức Thánh Linh.
Phao-lô đưa ra điều này trong những câu đầu tiên của chương này khi ông viết “...hầu cho chúng ta được kết quả cho Đức Chúa Trời” (Ro 7:4). Giống như khi chúng ta chết đối với người cũ, chúng ta cũng chết với luật pháp. Nhưng chúng ta hiệp làm một với Đấng Christ và sống trong Đấng Christ, và vì vậy chúng ta có thể kết quả cho Đức Chúa Trời. Chính việc hiệp một với Đấng Christ giúp chúng ta có thể hầu việc Đức Chúa Trời cách vui lòng. “Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài.” (Phil 2:13). Điều đó giải quyết nan đề của Phao-lô trong Ro 7:18: ”Bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn.”
Con người cũ không biết điều luật nào và bản chất mới không cần đến luật pháp. Làm theo luật pháp khiến người tin Chúa bị khốn khổ vì nó gây cho con người mới đau buồn và làm cho bản chất cũ thêm tồi tệ! Người tuân giữ luật pháp trở thành người theo phái Biệt Lập có hành động bên ngoài được mọi người chấp nhận, nhưng những thái độ trong lòng bị người đời khinh khi. Chẳng có gì lạ khi Chúa Giê-xu gọi họ là “mồ mã tô trắng bề ngoài cho đẹp, mà bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ dáy” (Mat 23:27). Quả thật bạn có thể chịu khốn khổ là dường nào!
Joshua Pham
Khi chúng ta nói xưng tội không phải là nguyên nhân khiến mình được tha thứ nhưng Huyết của Chúa Jesus Christ mới chính là nguyên nhân thì điều đó không có nghĩa rằng chúng ta phủ nhận vai trò của việc xưng tội và bảo mọi người không cần xưng tội.
Xưng tội thể hiện sự nhận biết sai lầm của mình. Xưng tội thể hiện tấm lòng muốn thay đổi và sửa chữa lỗi lầm. Xưng tội khiến lòng bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn là cứ giữ mãi trong lòng. Xưng tội có thể là công cụ hữu hiệu để hàn gắn những mối quan hệ bị rạn nứt và tổn thương trong một cộng đồng.
Tuy nhiên, xưng tội chẳng thể làm tội lỗi bạn biến mất. Xưng tội cũng không khiến tội lỗi bạn được tha thứ. Xưng tội càng không thể khiến bạn trở nên thánh khiết. Việc trích I Giăng 1:9 làm nền tảng cho giáo lý xưng tội để được tha thứ là một sự trích dẫn thiếu suy xét và "đoạn chương thủ ý". (Xin đọc thêm bài viết: Ý NGHĨA I GIĂNG 1 - ÁNH SÁNG CHO NHỮNG TÂM HỒN SAI LẠC)*. Xưng tội càng không thể khiến chúng ta trở nên công chính. Xưng tội không bao giờ khiến chúng ta trở thành thánh nhân.
Nhiều người đã lầm tưởng rằng xưng tội là ăn năn hay là biểu hiện của sự ăn năn. Nhưng điều này không chính xác! Từ ngữ ăn năn được sử dụng trong tiếng Hê-bơ-rơ trong Tân Ước là từ metanoeó (μετανοέω) có ý nghĩa là : sự thay đổi tâm trí hoặc mục đích (to change one's mind or purpose)**. Đó mới thật sự là ý nghĩa của sự ăn năn. Một người có thể quỳ gối xuống khóc lóc, kể lễ về tội lỗi hàng giờ nhưng khi đứng dậy vẫn quay lại con đường cũ của mình bởi vì tâm trí không hề được thay đổi. Nhưng sự ăn năn thật sự chỉ đến khi tâm trí chúng ta được thay đổi. Và chỉ có chân lý, Lẽ Thật và sự sống của Chúa Jesus mới khiến chúng ta được thay đổi từ bên trong chứ không phải là bên ngoài.
Bên cạnh đó, khi chúng ta ý thức sự xưng tội như là một phương cách để qua đó Đức Chúa Trời mới có thể tha thứ cho chúng ta thì chúng ta đã vô tình phủ nhận hoặc làm yếu kém đi nguyên nhân duy nhất của vũ trụ khiến chúng ta được tha thứ, được cứu rỗi và nên thánh: ấy chính là HUYẾT BÁU CỦA CHÚA JESUS CHRIST- CHIÊN CON CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI ĐẤNG CẤT TỘI LỖI THẾ GIAN ĐI. Và nếu Đức Chúa Trời sau khi đã hy sinh Con Một Yêu Dấu của mình để hầu cho qua Con ấy thế gian được tha thứ (II Cô 5:19; I Giăng 1:7; I Giăng 2:1) lại còn ra thêm một điều kiện nữa là nếu ai xưng tội thì Ngài mới tiếp tục tha thứ và được cứu rỗi thì khác nào Đức Chúa Trời cứu chúng ta nhưng lại tròng vào chúng ta một cái thòng lọng có thể khiến chúng ta xa cách vĩnh viễn với Ngài bất cứ lúc nào. Sống một đời sống như vậy không thể nào là "sự bình an mà thế gian không thể có" như lời Chúa Jesus đã phán hứa được (Giăng 14:27). Nhưng nếu đó thật sự là phương cách của Đức Chúa Trời để chúng ta qua đó được tha thứ và được sự sống đời đời thì thiết nghĩ chúng ta cũng nên tuân giữ nhưng xét kỹ thì đó là do sự thiếu hiểu biết của chúng ta trong việc học hỏi và suy gẫm Lời Chúa chứ không phải là ý định đời đời của Đức Chúa Trời trong chương trình cứu chuộc đời đời của Ngài từ trước buổi sáng thế.
Rô-ma 5:8-10
8 Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.
9 Huống chi nay chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công bình, thì sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn thạnh nộ là dường nào!
10 Vì nếu khi chúng ta còn là thù nghịch cùng Đức Chúa Trời, mà đã được hòa thuận với Ngài bởi sự chết của Con Ngài, thì huống chi nay đã hòa thuận rồi, chúng ta sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu là dường nào!
Sứ đồ Phao-lô khẳng định sự cứu rỗi chắc chắn dành cho những kẻ tin nơi Huyết của Chúa Jesus để được xưng công bình. Nếu Huyết báu của Chúa Jesus tại thập tự giá có đủ quyền năng để cứu bạn từ nơi tối tăm đến nơi sáng láng, từ nơi tội lỗi đến sự công bình, từ tội nhân trở thành thánh nhân thì há Huyết ấy lại yếu kém hơn trong việc tiếp tục thanh tẩy đời sống của người đã được xưng công bình, đã được cứu, đã được nên thánh, đã được làm Con của Đức Chúa Trời hay sao?
Vậy sự xưng tội hoàn toàn có ý nghĩa trong cuộc sống trên đất này của bất cứ con người nào. Nó khiến cho tấm lòng chúng ta nhẹ nhàng hơn, không bị ám ảnh và nặng nề trong tâm trí. Sự xưng tội là một phương tiện tốt để chúng ta làm hòa với nhau chứ không phải với Đức Chúa Trời vì phương cách duy nhất để được hòa thuận với Đức Chúa Trời là "đã được hòa thuận với Ngài bởi sự chết của Con Ngài," (Rô-ma 5:10) chứ không phải bởi sự xưng tội của chúng ta. Chúng ta không được tha thứ bằng mồm mép và miệng lưỡi của chính mình nhưng chúng ta được tha thứ bằng Huyết của Chúa Jesus tại thập tự giá. Thừa nhận Huyết của Chúa Jesus đổ ra là để xóa sạch mọi tội lỗi chúng ta và tại thập tự giá ấy Đấng Christ - Đấng vô tội đã trở nên tội lỗi hầu cho qua đó chúng ta - một tội nhân đáng chết được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 5:21) là phương cách duy nhất khiến chúng ta được tha thứ hoàn toàn. Bất cứ một điều kiện nào khác được thêm vào cũng có ý nghĩa tương tự với việc phủ nhận, từ chối hoặc vô tình làm giảm giá trị và làm yếu kém đi phương cách chuộc tội đời đời của Đức Chúa Trời qua sự chết của Chúa Jesus Christ tại thập tự giá.
Sự xưng tội có thể là một bằng chứng tốt cho một người thật tâm muốn sửa chữa lỗi lầm, nhưng không có nghĩa rằng người ấy có thể được tha thứ và có thể sửa chữa lỗi lầm bằng sự xưng tội ấy. Ngược lại, sự xưng tội cũng có thể là bức màn để che dấu sự chai lỳ và sự vô tín của một người đối với phương thức chuộc tội của Đức Chúa Trời khi họ tiếp tục ủng hộ cho ý tưởng rằng cần phải xưng tội mới được Chúa tha thứ. Sự xưng tội có thể giúp thay đổi thái độ và cách hành xử của người khác với bạn khi họ thấy sự chân thành và thành thật của bạn. Sự xưng tội có vai trò, trọng trách của nó trong đời sống của bạn nhưng đừng biến nó trở thành công cụ khiến bạn trở nên vô tín với Lời của Đức Chúa Trời và với Huyết của Chúa Jesus Christ đã đổ ra để mua chuộc tất cả mọi tội lỗi của bạn. Amen!
Joshua Phạm
* Xin đọc thêm: http://tinhyeulalung.blogspot.com/2011/10/y-nghia-i-giang-1-anh-sang-cho-nhung.html
** Tham khảo: http://greekheb-strongs.scripturetext.com/mark/1.htm
Gia-cơ 1:25
Nhưng kẻ nào xét kĩ luật pháp trọn vẹn, là luật pháp về sự tự do, lại bền lòng suy gẫmlấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời.
Giô-suê 1:8
Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước.
Khi đọc Kinh thánh chúng ta cần phân biệt được sự khác nhau giữa Cựu ước và Tân ước.
Trong Cựu Ước: là giao ước cũ được thiết lập tại núi Si-nai bởi việc Đức Chúa Trời ban luật pháp qua Môi-se cho dân Y-sơ-ra-ên. Trọng tâm của giao ước cũ chính là việc bày tỏ bản tính công bình và thánh khiết của Đức Chúa Trời, Qua giao ước này, Đức Chúa Trời thiết lập tiêu chuẩn của Ngài đòi hỏi nơi con người để khôi phục lại mối quan hệ đã bị đổ vỡ tại vườn E-đen. Tuy nhiên, trãi qua hàng nhiều năm, con người luôn bất lực trong việc tuân giữ trọn vẹn Luật pháp. Và vì vậy, luật pháp không những không thể đem đến sự sống, sự công bình cho dân Y-sơ-ra-ên nhưng ngược lại luật pháp chính nguyên cớ khiến dân Y-sơ-ra-ên rơi vào sự khốn khổ, tội lỗi, kiêu ngạo, giả hình và bị rủa sả nặng nề mỗi khi họ bất tuân luật pháp.Các dân tộc khác đồng thời với họ cũng thờ hình tượng, cũng phạm tội, cũng gian ác nhưng không bị sự trừng phạt nặng nề giống như dân Y-sơ-ra-ên mỗi khi họ phạm như vậy ? Tại sao? Ấy là bởi vì chính luật pháp mà dân Y-sơ-ra-ên nhận được đã định tội, lên án, cướp và giết họ. Cho nên Phao-lô đã gọi chức vụ của luật pháp là chức vụ của sự định tội, và sự chết (II Cor 3:9)
Trong Tân ước: giao ước được thiết lập bởi chính Chúa Jesus. Luật pháp thì đến bởi Môi-se nhưng ân điển và lẽ thật đến bởi Chúa Jesus chúng ta. Ha-lê-lu-gia! (Giăng 1:17). Khi Chúa Jesus Ngài đã mở ra một con đường mới và sống ngang qua xác Ngài. Con đường ấy là con đường của giao ước mới, của tình yêu và sự tha thứ. Nó không trái với bản tính công bình, thánh khiết với Đức Chúa Trời trong Cựu ước nhưng ngược lại càng chứng tỏ Đức Chúa Trời là công chính khi xưng kẻ có tội là công bình bởi sự chết chuộc tội thay của chính CON NGÀI. Loài người phải ngậm miệng trước sự công bình của Ngài. Ma quỷ phải câm lặng trước sự công minh của Thiên Chúa. Vạn vật đều cúi đầu tôn ngợi Danh Jesus - Vua Trên Muôn Vua - Chúa Trên Muôn Chúa bởi công tác hoàn tất vĩ đại của Ngài tại thập tự giá.
Đây là 2 yếu tố căn bản chúng ta cần nắm rõ khi đọc, suy gẫm, đối chiếu và thực hành Kinh Thánh. Bởi nếu chỉ đọc, học mà thiếu suy xét, phân biệt rõ ràng về 2 giao ước sẽ khiến chúng ta đi vào tình trạng bối rối, khó hiểu và dẫn đến hiểu sai Kinh thánh. Khi hiểu sai thì bạn sẽ đặt cơ sở cho niềm tin của mình cách không đúng đắn. Và vì nguyên tắc là "nghĩ trong lòng thể nào thì quả như thể ấy" nên TIN ĐÚNG - SỐNG ĐÚNG.
Một trong những ví dụ cụ thể là khi đọc, suy gẫm, đối chiếu và thực hành 2 câu Kinh Thánh Giô-suê 1:8 và Gia-cơ 1:25 rất nhiều người đã vội vàng khẳng định ràng 2 câu này có chung ý tưởng, chung sự dạy dỗ và chung cách hiểu. Nhưng khi đem 2 câu Kinh Thánh này đặt trong Lẽ thật của ánh sáng Giao ước mới chúng ta sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, đi từ sự sợ hãi đến bình an, đi từ lo lắng, bất lực đến đức tin và công bình. Khi đọc Gia-cơ 1:25 chúng ta cần xem xét một vài câu hỏi sau:
Thứ 1: Luật pháp trọn vẹn là luật pháp nào?
Hê-bơ-rơ 8:6-7
6 Nhưng thầy tế lễ thượng phẩm chúng ta đã được một chức vụ rất tôn trọng hơn, vì Ngài là Đấng trung bảo của giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy lập lên trên lời hứa tốt hơn.
7 Vì nếu ước thứ nhứt không thiếu gì, thì chẳng có chỗ nào lập ước thứ hai.
Chúng ta đều biết rằng Đức Chúa Trời thiết lập 2 giao ước cơ bản cho con người trong chương trình cứu chuộc nhân loại đó là : Giao ước luật pháp được ban cho qua Môi-se.
Giăng 1:17 Vì luật pháp đã ban cho bởi Môi-se, còn ơn và lẽ thật bởi Đức Chúa Jêsus Christ mà đến.
Và giao ước thứ 2 được thiết lập bởi Huyết của Chúa Jesus.
Ma-thi-ơ 26:27-28
27Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn đồ mà rằng: Hết thảy hãy uống đi;
28 vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội.
Và khi thiết lập giao ước mới thì Chúa Jesus đã làm cho giao ước cũ trở nên vô hiệu
Hê-bơ-rơ 8:13
Khi Thiên Chúa nói đến Giao Ước Mới, Người làm cho giao ước thứ nhất hoá ra giao ước cũ ; và cái gì cũ kỹ, lỗi thời, thì sắp tan biến đi.
Những sự dạy dỗ trong Cựu ước đều là hình bóng chỉ về Đấng sẽ đến là Chúa Jesus. Những đòi hỏi trong cựu ước là những tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi con người nhưng mọi người đều bất lực không có khả năng để làm trọn luật pháp. Cho nên, để cứu chuộc con người, Đức Chúa Trời chỉ có 1 cách duy nhất là sai Con Một của Ngài đến thế gian để làm thay cho con người. Chính Chúa Jesus nói:
Ma-thi-ơ 5:17 Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn.
Chỉ có duy nhất Chúa Jesus là Đấng có khả năng giữ trọn luật pháp. Và đó là lí do tại thập tự giá Chúa Jesus kêu lên: "Mọi sự đã được trọn" (Giăng 19:30).
Vậy luật pháp của sự trọn vẹn không phải là luật pháp được ban cho trong Cựu ước qua Môi-se mà là luật trong Giao ước mới bởi công tác của Chúa Jesus tại thập tự giá. Đó là luật của Thánh Linh và luật của tình yêu thương.
Luật pháp trong giao ước cũ không phải là luật pháp của sự trọn vẹn bởi:
Hê-bơ-rơ 8:7 Vì nếu ước thứ nhứt không thiếu gì, thì chẳng có chỗ nào lập ước thứ hai.
Thứ 2: Luật nào được gọi là luật của sự tự do?
Trong Ga-la-ti 4:22-26
22 Vì có chép rằng Áp-ra-ham có hai con trai: một là con của người nữ tôi mọi, một là con của người nữ tự chủ.
23 Nhưng con của người nữ tôi mọi sanh ra theo xác thịt, con của người nữ tự chủ sanh ra theo lời hứa.
24 Cả điều đó có một nghĩa bóng: hai người nữ đó tức là hai lời giao ước, một là lời giao ước tại núi Si-na-i, sanh con ra để làm tôi mọi ấy là nàng A-ga.
25 Vả, A-ga, ấy là núi Si-na-i, trong xứ A-ra-bi; khác nào như thành Giê-ru-sa-lem bây giờ, thành đó với con cái mình đều làm tôi mọi.
26 Nhưng thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao là tự do, và ấy là mẹ chúng ta.
Phao-lô sử dụng câu chuyện hai người con của Sa-ra và A-ga để cho chúng ta biết đâu là luật của nô lệ và luật của sự tự do.
Giao ước cũ mà theo Phao-lô thì ấy là hình bóng của giao ước của tôi mọi. (Câu 25). Và giao ước ấy gọi là giao ước của luật pháp.
Giao ước mới qua hình ảnh của Sa-ra là giao ước của sự tự do - giao ước của ân điển.
Luật của sự tự do là luật trong Giao ước mới. Ấy là luật của Thánh Linh sự sống và là luật của tình yêu thương chứ không phải là luật : "Nếu..... thì...."
Ga-la-ti 5:1-6
1 Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa.
2 Tôi là Phao-lô nói với anh em rằng, nếu anh em chịu làm phép cắt bì, thì Đấng Christ không bổ ích chi cho anh em hết.
3 Tôi lại rao cho mọi người chịu cắt bì rằng, họ buộc phải vâng giữ trọn cả luật pháp.
4 Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình, thì đã lìa khỏi Đấng Christ, mất ân điển rồi.
5 Về phần chúng ta, ấy là bởi đức tin và nhờ Thánh Linh mà chúng ta được nhận lãnh sự trông cậy của sự công bình.
6 Vì trong Đức Chúa Jêsus Christ, cái điều có giá trị, không phải tại chịu phép cắt bì hoặc không chịu phép cắt bì, nhưng tại đức tin hay làm ra bởi sự yêu thương vậy.
Thứ 3: Bền lòng suy gẫm lấy là gì?
Trong Giao ước cũ thì:
Giô-suê 1:8 "Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm,..."
Nhưng trong Giao ước mới thì:
Hê-bơ-rơ 8:10-11
10 Chúa lại phán: Nầy là lời ước mà ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên Sau những ngày đó: Ta sẽ để luật pháp ta trong trí họ Và ghi tạc vào lòng; Ta sẽ làm Đức Chúa Trời họ, Họ sẽ làm dân ta.
11 Trong vòng họ sẽ chẳng có ai dạy bảo công dân mình Và anh em mình, rằng: Hãy nhìn biết Chúa; Vì hết thảy trong vòng họ, Từ kẻ rất nhỏ cho đến kẻ rất lớn đều sẽ biết ta,
Giao ước cũ con người nỗ lực "ghi nhớ" luật pháp và cố gắng làm theo. Trong khi đó, Kinh Thánh chép rất rõ ràng về giao ước mới là " Chính Chúa sẽ để luật pháp ta trong trí họ Và ghi tạc vào lòng; Ta sẽ làm Đức Chúa Trời họ, Họ sẽ làm dân ta.
11 Trong vòng họ sẽ chẳng có ai dạy bảo công dân mình Và anh em mình, rằng: Hãy nhìn biết Chúa; Vì hết thảy trong vòng họ, Từ kẻ rất nhỏ cho đến kẻ rất lớn đều sẽ biết ta,".
Và suy gẫm trong Tân Ước ấy chính là NGHE LỜI CỦA ĐẤNG CHRIST. Đấng Christ là Chúa Jesus phục sinh.
Rô-ma 10:17 Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng.
Thứ 4: Hết lòng giữ theo phép tắc nó là gì?
Phao-lô nói về sự tuân giữ luật pháp theo cách này trong
Rô-ma 10:3-5
3 Bởi họ không nhận biết sự công bình của Đức Chúa Trời và tìm cách lập sự công bình riêng của mình, nên không chịu phục sự công bình của Đức Chúa Trời;
4 vì Đấng Christ là sự cuối cùng của luật pháp, đặng xưng mọi kẻ tin là công bình.
5 Vả, Môi-se luận sự công bình đến bởi luật pháp cách nầy: Hễ ai làm theo điều đó thì nhờ đó mà sống.
Sự tuân giữ trong luật pháp đòi hỏi nơi con người ấy chính là LÀM (Hễ ai làm theo điều đó thì nhờ đó mà sống.)
Nhưng cách tuân giữ trong giao ước mới thì là TIN:
Rô-ma 10:6-11
6 Nhưng sự công bình đến bởi đức tin, thì nói như vầy: Chớ nói trong lòng ngươi rằng: Ai sẽ lên trời? ấy là để đem Đấng Christ xuống;
7 hay là: Ai sẽ xuống vực sâu? ấy là để đem Đấng Christ từ trong kẻ chết lại lên.
8 Nhưng nói làm sao? Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng và trong lòng ngươi. Ấy là đạo đức tin và chúng ta giảng dạy.
9 Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu;
10 vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi.
11 Vả, Kinh-Thánh nói rằng: Kẻ nào tin Ngài sẽ chẳng bị hổ thẹn.
Câu 8: Nhưng nói làm sao? Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng và trong lòng ngươi. Ấy là đạo đức tin và chúng ta giảng dạy.
Có sự khác biệt rõ ràng trong việc tuân giữ trong hai giao ước. Giao ước thứ 1 là dựa hoàn toàn trên nỗ lực của con người. Trong khi giao ước thứ 2 là dựa trên ĐỨC TIN nơi nỗ lực của Chúa Jesus Đấng đại diện cho chúng ta hoàn tất luật pháp. Bởi vậy:
Rô-ma 8:4 vì Đấng Christ là sự cuối cùng của luật pháp, đặng xưng mọi kẻ tin là công bình.
Kết luận:
Gia-cơ 1:25 và Giô-suê 1:8 hoàn toàn khác biệt.
Giô-suê 1:8 Con người phải GHI NHỚ mọi điều khoản của Luật pháp Môi-se, phải cố ghi nhớ lấy và nỗ lực hết sức để vâng giữ. Khi ấy, người đó mới có kết quả là ĐƯỢC PHƯỚC và MAY MẮN ( đúng hơn là THỊNH VƯỢNG - prosperous).
Trong khi ấy, ý nghĩa của Gia-cơ 1:25 là: Xét kỹ luật pháp trọn vẹn do nơi công tác hoàn tất của Đấng Christ tại thập tự giá, là luật của sự tự do, không còn ở dưới sự ràng buộc của luật pháp mà ở dưới sự dẫn dắt của Thánh Linh sự sống, của tình yêu thương, chẳng phải nghe rồi quên đi mà bền lòng giữ lấy - tức là nghe đi nghe lại - để đem đến đức tin vì đức tin đến bởi điều chúng ta nghe thì như vậy chúng ta chắc chắn được phước vì sự vâng phục Lẽ Thật trong Tân Ước là Hễ ai tin Con thì được sự sống đời đời. Chúng ta tin Chúa Jesus và công tác hoàn tất của Ngài đó chính là lí do chúng ta được phước và qua đó khiến chúng ta vâng phục Chúa và vâng phục lẫn nhau.
Joshua Phạm
Có người nói rằng:
"“Tin là yếu tố quyết định cho sự cứu rỗi. Vâng lời là yếu tố quyết định mức độ ân phước của người được cứu thừa hưởng. - Faith determines one’s salvation. Obedience determines the degree of blessing to be enjoyed by the saved person.”
Nhưng thật ra, nguyên nhân của mọi phước hạnh trong đời sống của một Cơ-đốc nhân không bắt nguồn từ sự vâng lời, mặc dù vâng lời là một đức tính, một bông trái tốt đẹp của tín hữu cần nên có và phát triển nhưng nguyên nhân mọi phước hạnh của chúng ta là đến từ nơi công tác hoàn tất của Đấng Christ tại thập tự giá.
I. PHƯỚC HẠNH CỦA CHÚNG TA CÓ NGÀY HÔM NAY LÀ KẾT QUẢ NƠI CÔNG TÁC HOÀN TẤT CỦA CHÚA JESUS TẠI THẬP TỰ GIÁ
Ga-la-ti 3:13-14
13 Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp, bởi Ngài đã nên sự rủa sả vì chúng ta, vì có lời chép: Đáng rủa thay là kẻ bị treo trên cây gỗ,
14 hầu cho phước lành ban cho Áp-ra-ham nhờ Đức Chúa Jêsus Christ mà được rải khắp trên dân ngoại, lại hầu cho chúng ta cậy đức tin mà nhận lãnh Đức Thánh Linh đã hứa cho.
II. PHƯỚC HẠNH CỦA CHÚNG TA CÓ NGÀY HÔM NAY LÀ DO QUA CÔNG TÁC CỦA CHÚA JESUS CHÚNG TA ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI ĐẶT CHÚNG TA Ở TRONG ĐẤNG CHRIST
Ê-phê-sô 1:3
3 Ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời.
III. PHƯỚC HẠNH CỦA CHÚNG TA CÓ NGÀY HÔM NAY LÀ DO CHÍNH SỰ CHU CẤP CỦA CHA THIÊN THƯỢNG - NGÀI LÀ NGUỒN CHU CẤP CỦA CHÚNG TA - DANH NGÀI LÀ GIÊ-HÔ-VA DI-RÊ
I Ti-mô-thê 6:17
Hãy răn bảo kẻ giàu ở thế gian nầy đừng kiêu ngạo và đừng để lòng trông cậy nơi của cải không chắc chắn, nhưng hãy để lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật dư dật cho chúng ta được hưởng.
IV. NGÀY HÔM NAY CHÚNG TA KHÔNG PHẢI VÂNG LỜI CHÚA ĐỂ ĐƯỢC PHƯỚC MÀ VÌ QUA CHÚA JESUS VÀ CÔNG TÁC HOÀN TẤT CỦA NGÀI TẠI THẬP TỰ GIÁ CHÚNG TA ĐÃ ĐƯỢC PHƯỚC NÊN CHÚNG TA VÂNG LỜI.
Vâng lời là kết quả của mọi phước hạnh mà chúng ta có được qua Chúa Jesus và công tác của Ngài.
Sáng Thế Ký 12:2-3 Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước cho ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước.
Chúa ban phước cho Áp-ra-ham trước khi khiến ông trở thành nguồn phước cho nhiều dân tộc. Chúng ta không thể cho điều mà chúng ta không có. Bạn và tôi chúng ta đều sa ngã của bản tính vâng lời Đức Chúa Trời qua sự sa ngã của A-đam trong sự sự sáng tạo ban đầu. Nhưng qua công tác của Chúa Jesus, là A-đam thứ 2, tại thập tự giá khiến chúng ta được tái tạo một bản tính mới trở thành một tạo vật mới (II Cor 5:17) và bản chất mới đó khiến chúng ta có khả năng vâng lời Cha Thiên Thượng.
V. THẬT RA PHƯỚC HẠNH LỚN NHẤT VÀ LÀ KHỞI NGUỒN CỦA MỌI PHƯỚC HẠNH ẤY CHÍNH LÀ PHƯỚC HẠNH CỦA SỰ CỨU RỖI
Sự cứu rỗi không phải là phước hạnh chỉ xảy ra tại thời điểm khi bạn quyết định tin nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa của mình. Phước hạnh này luôn luôn là nguyên nhân của tất cả mọi ơn phước khác trong đời sống của bạn. Vì để bạn có được sự cứu rỗi, Đức Chúa Trời đã phải hy sinh điều quý báu nhất của Ngài là Con Một Yêu Dấu của Ngài, cho nên khi bạn trở thành con của Ngài, Đức Chúa Trời không thể nào không ban tất cả mọi phước hạnh khác cho bạn vì điều quý nhất Ngài đã ban cho bạn rồi.
Rô-ma 8:32 Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?
Chữ cứu rỗi được dùng trong Tân Ước trong nguyên ngữ là chữ "sozo" thì không chỉ có nghĩa là cứu rỗi linh hồn mà còn có nhiều nghĩa khác. Nó có nghĩa là được cứu, được chữa lành, được giải thoát, giữ gìn hoàn hảo, được nguyên vẹn.
Sự cứu rỗi trong ý chỉ của Đức Chúa Trời có một ứng dụng rộng lớn hơn nhiều không chỉ là tha thứ khỏi tội lỗi.
Người đờn bà đã xức dầu nơi chân Chúa (Lu-ca 7:48-50).
“Chúa Jêsus phán tội lỗi con đã được tha”.
“Chúa Jêsus phán đức tin con đã cứu (sozo) con”.
Người đờn bà bị bệnh mất huyết (8:47-48).
Câu 48: “Nhưng Đức Chúa Giê xu phán rằng: Hỡi con gái ta, đức tin ngươi đã chữa lành ngươi (“sozo”) hãy đi cho bình an ”.
Thể xác và tâm linh đều có phần trong sự cứu rỗi .
Sự chữa lành là điều mà sự cứu rỗi thực hiện cho phần thể xác trong khi sự tha thứ tội lỗi là điều mà sự cứu rỗi thực hiện cho phần tâm linh.
Sự giải thoát khỏi những ác linh (Lu-ca 8:35-36).
“Những người đã xem thấy sự lạ đó, thuật lại cho thiên hạ biết người bị quỷ ám được cứu khỏi (“sozo”) thể nào” (8:36).
Sự cứu rỗi ở đây ám chỉ sự giải thoát khỏi quyền lực của sự tối tăm.
Sự chữa lành khỏi bệnh phung (Lu-ca 17:11-19)
“Ngài lại phán rằng, đứng dậy, đi, Đức tin con đã cứu con ” (17:19).
Cũng cùng từ “sozo” ám chỉ sự chữa lành khỏi bệnh phung.
Sự cứu rỗi bao gồm sự chữa lành. Nó được gồm tóm trong chiếc vé.
Tóm lại, ngày hôm nay là những người đặt đức tin nơi Chúa Cứu Thế Jesus, chúng ta không vâng lời Chúa để được phước nhưng chúng ta vâng lời vì chúng ta đã nhận được mọi phước hạnh từ nơi Chúa Cứu Thế Jesus qua công tác chuộc tội đã được hoàn tất của Ngài tại thập tự giá cách đây hơn 2000 năm. CHÚNG TA ĐƯỢC PHƯỚC NÊN CHÚNG TA VÂNG LỜI. HA-LÊ-LU-GIA!
Joshua Phạm