“Nhưng hiện bây giờ, sự công bình của Đức Chúa Trời, mà luật pháp và các đấng tiên tri đều làm chứng cho, đã bày tỏ ra ngoài luật pháp: tức là sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi sự tin đến Đức Chúa Jêsus Christ, cho mọi người nào tin. Chẳng có phân biệt chi hết. (Ro 3:21-22).
Đức Chúa Trời đã bày tỏ ra sự công bình của Ngài qua luật pháp trước khi Chúa Jesus đem đến sự mạc khải trọn vẹn về Phúc Âm. Ngài kêu gọi qua các đấng tiên tri, Ngài ban ơn cho người vâng lời Ngài. Tuy vậy, trãi qua hàng ngàn năm Đức Chúa Trời không tìm thấy một ai được xưng công bình nhờ luật pháp. Dẫu rằng trước khi có luật pháp đã có một vài người đã được xưng là công bình trước mặt Đức Chúa Trời. Bởi vậy, Đấng Christ đã đến để bày tỏ về lẽ thật về sự xưng công bình mới của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể tóm tắt sứ điệp của Ngài bằng cụm từ quen thuộc: Phúc Âm. Qua Phúc Âm, Chúa Jesus đã bày tỏ sự công bình mới của Đức Chúa Trời (Ro 1:16-17) các đặc điểm của công bình này được giải thích tường tận trong phần này.
a. Bạn được xưng công bình ngoài luật pháp (3:21)
Theo luật pháp Cựu Ước, sự công bình đến bởi hành vi, việc làm nhưng theo Phúc Âm, sự công bình đến bởi tin và nhận. Luật pháp tự tỏ bày sự công bình của Đức Chúa Trời, vì luật pháp là “thánh, công bình và tốt lành” (Ro 7:12). Hơn nữa, luật pháp làm chứng cho sự công bình của Phúc Âm này cho dù rằng luật pháp không thể cung ứng sự công bình. Bắt đầu trong Sáng 3:15 và tiếp tục trải suốt trong toàn bộ Cựu Ước, bằng chứng cho sự cứu rỗi ấy là do đức tin nơi Đấng Christ. Của sinh tế trong Cựu Ước, các đấng tiên tri, các hình bóng, và “Chân Lý Phúc Âm” lớn lao (Es 53:1-12) tất cả đều làm chứng cho chân lý này. Luật pháp có thể làm chứng cho sự công bình của Đức Chúa Trời, nhưng luật pháp không thể cung ứng sự công bình cho loài người tội lỗi. Chỉ có Chúa Giê-su Christ mới có thể làm điều đó. (Ga 2:21).
Phương cách xưng công bình bởi luật pháp là hệ quả của sự vi phạm của tổ phụ loài người: A-đam và E-va đã chọn cây biết điều thiện và điều ác. Thay vì chọn để tin cậy nơi sự sống sung mãn, đầy trọn mà Đức Chúa Trời vốn tạo dựng nên cho họ thì họ chọn để tin rằng biết luật pháp (thiện -ác, đúng - sai, tốt - xấu, hay - dở,...) có lẽ sẽ tốt hơn cho họ. Chính niềm tin sai lầm này là hệ quả của mọi sự rủa sả mà con người phải chịu lấy.
Phương cách xưng công bình bởi luật pháp là hệ quả của sự vi phạm của tổ phụ loài người: A-đam và E-va đã chọn cây biết điều thiện và điều ác.
Từ khi nhận trái cây của luật pháp (cây biết điều thiện và điều ác) con người đã sa vào vũng lầy của tội lỗi và không thể tự cứu lấy mình. Bởi sự nhận biết thiện và ác vốn không hề có quyền năng đem đến sự sống đời đời là điều vốn có sẵn trong cây SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI cũng được đặt giữa vườn E-đen và không hề bị cấm ăn. Hơn thế, con người từ đó bắt đầu cái vòng luẩn quẩn của thiện-ác, tốt - xấu, đúng - sai,.... và bạn có thấy mọi tôn giáo đều bắt nguồn từ đây không? Tôn giáo nào cũng chỉ có một nhiệm vụ cốt lõi cơ bản là: hướng con người đến điều thiện và lánh xa điều ác. Và đó chính là cái bẫy của tôn giáo vì càng cố gắng con người càng thất vọng và thất bại vì bản chất con người vốn hư mất và sa ngã từ buổi sáng thế.
b. Bạn được xưng công bình bởi đức tin đến Đấng Christ (Ro 3:22a)
Chính vì lẽ đó, Chúa Jesus đã phải đến để trở thành một con người và đại diện con người để hoàn tất mọi yêu cầu xưng công chính của con người qua luật pháp. Để có thể bắt đầu hợp đồng mới thì hợp đồng cũ phải được hoàn thành và như vậy đối tượng bị ràng buộc trong hợp đồng ấy mới có thể được tự do để kí kết một hợp đồng mới. Có thể bạn sẽ nghĩ, người ta vẫn có thể kí cùng lúc nhiều hợp đồng mà? Yes đó là hợp đồng thương mại, kinh tế hay dịch vụ,... Ô không ở đây còn hơn như vậy: một giao ước. Giao ước là cụm từ chỉ về sự ràng buộc liên hệ đến sinh mạng, sự sống và cái chết. Trong quá khứ, khi hai người kết ước với nhau thì phải dùng máu để kết giao, để chứng minh cho sự ràng buộc chặt chẽ của giao ước, ý chỉ rằng: chỉ có cái chết mới có thể kết thúc giao ước đó. Kinh Thánh sử dụng hình ảnh về người chồng mới và người chồng cũ để mô tả về mối quan hệ này. (Xem Rô-ma 7:1-6). Một người nữ đã có chồng chỉ được phép tự do kết hôn với người nam khác khi người chồng cũ đã qua đời. Vâng luật pháp chính là người chồng cũ và người đó đã chết cùng với Chúa Jesus - con người duy nhất làm trọn mọi luật pháp - trên cây thập tự giá.
Một người nữ đã có chồng chỉ được phép tự do kết hôn với người nam khác khi người chồng cũ đã qua đời.
Cô-lô-se 2:14-15:
14 Ngài đã xóa tờ khế (giao ước cũ của luật pháp) lập nghịch cùng chúng ta, các điều khoản (các điều luật đem đến sự rủa sả cho ai vi phạm) trái với chúng ta nữa, cùng phá hủy tờ khế đó mà đóng đinh trên cây thập tự 15 Ngài đã truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng nó, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ.
Bạn thấy không, để có thể khiến bạn được tự do đến với giao ước mới, Đức Chúa Trời đã phải chọn một cách vô cùng đau đớn: hy sinh chính Con Một của Ngài. Vì đó là phương cách của giao ước. Sự chết - là điều Chúa đã cảnh báo A-đam và E-va - phải được hoàn tất. Đức Chúa Trời là Đấng đã lập nên giao ước nên Ngài phải hoàn thành giao ước đó cách hợp pháp. Bạn để ý Kinh Thánh nói rằng Chúa Jesus đã phá hủy tờ khế - tờ giao ước - lập nghịch cùng chúng ta. Tại sao? Vì giao ước cũ nói rằng: ai nghe và làm theo thì sẽ được sống (Lê-vi-ký 18:5), đây chính là tử huyệt của giao ước cũ vì Kinh Thánh khẳng định: "Vì mọi người đều đã phạm tội thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời" (Rô-ma 3:23). Chẳng có ai đáp ứng nổi sự công bình theo giao ước cũ của luật pháp - dẫu một người cũng không (Rô-ma 3:10; 3:12). Chính vì vậy, dưới sự soi xét của giao ước cũ luật pháp mọi người đều chịu rủa sả. Hơn thế nữa, Kinh Thánh còn mặc khải cho chúng ta biết rằng ma quỷ với sự quỷ quyệt và gian dối nó đã lợi dụng giao ước này để khiến tội lỗi của con người trở nên trầm trọng và kinh khiếp hơn.
Rô-ma 7:13Vậy thì điều lành trở làm cớ cho tôi chết sao? Chẳng hề như vậy! Nhưng ấy là tội lỗi đã làm cho tôi chết, hầu khi nó nhân điều lành làm chết tôi, tự bày ra nó là tội lỗi; đến nỗi tội lỗi nhân điều răn trở nên cực ác.
Đó là lí do, tại sao Chúa Jesus không bao giờ thấy nan đề lớn trong những kẻ tội lỗi, bệnh tật hay yếu đuối nhưng Ngài cực kỳ khó chịu với những thầy dạy luật, thầy tế lễ, người Pha-ri-si,.. là những thành phần tiêu biểu cho sự tuân giữ khắc khe mọi luật lệ của luật pháp. Vì họ chứng minh một điều, con người càng cố gắng tuân giữ luật pháp họ sẽ càng phô bày sự gian ác, xấu xa, tội lỗi, giả hình của con người. Hãy suy gẫm điều này, để giữ ngày Sa-bát họ sẵn sàng lên án người đói với tay để bức bông lúa mỳ mà ăn, họ sẵn sàng chỉ trích Chúa Jesus đã vi phạm điều răn khi chữa lành người bại, họ sẵn sàng kêu gọi và chờ đợi Chúa Jesus ra lệnh ném đá vào người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội tà dâm,....
Bạn thấy không, căn cứ vào giao ước cũ, những người này đang làm những việc "công bình" nhưng đó là những việc đem đến sự chết, sự định tội và chịu phán xét. Thử nghĩ xem, trước khi Chúa Jesus đến để công bố về nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, những người đạo đức kia với đầy đủ mọi phẩm chất, tiêu chuẩn của luật pháp đã giết hại bao nhiêu sinh mạng, bao nhiêu con người khốn khổ rồi? Đó là lí do Kinh Thánh khẳng định: tội lỗi + điều răn = cực ác. Đó là công thức trong sự mặc khải của Kinh Thánh. không ai có thể hiểu được ý tưởng này ngoài Thánh Kinh. Vấn đề là hầu hết mọi người không nhận biết lẽ thật này. Mọi người đều nghĩ: điều răn sẽ khắc chế được tội lỗi. Luật pháp sẽ giúp con người tránh vi phạm nhưng ngay từ buổi sáng thế đó là ý tưởng ngược hoàn toàn với ý tưởng của Đức Chúa Trời. Ngài biết rõ sự yếu kém của luật pháp, điều răn nên đã cấm A-đam và E-va đụng đến (đừng nói chi là ăn) trái cây biết điều thiện và điều ác.
Kinh Thánh khẳng định: tội lỗi + điều răn = cực ác. Đó là công thức trong sự mặc khải của Kinh Thánh.
Vậy bạn có thể thắc mắc, làm sao con người có thể sống mà không có luật pháp đây? Vâng, tôi không có câu trả lời cho bạn vì cuộc sống như vậy vốn do chính Đức Chúa Trời tạo nên. Ngài vốn đã tạo nên thế giới hoàn hảo mà không cần dùng đến luật pháp. Con người khi ấy sống bởi hơi thở quyền năng của Đức Chúa Trời. Một thân thể được chính tay Ngài nắn nên, một tâm linh sống động của hơi thở của Ngài, một uy quyền, năng lực được ban cho để quản trị muôn loài, một người nữ từ xương từ thịt mình để giúp đỡ và làm cho đầy dẫy đất là những hình ảnh mà tâm trí của chúng ta có thể hình dung về cuộc sống không có luật pháp, điều răn. Khi ấy, họ không cần biết thiện hay ác và vẫn sống một cuộc đời làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, ở trong mối thông công mật thiết với Ngài. Nếu bạn được chính Đức Chúa Trời dẫn dắt bạn không còn cần đến luật pháp nữa vì Ngài sẽ dẫn bạn đi trong con đường công chính của Ngài.
Tuy nhiên, con người đã chọn sai. Họ chọn luật pháp từ buổi ban đầu và từ đó cuộc sống với sự nhận biết thiện -ác đúng sai đã ăn sâu vào trong tâm trí của con người. Và chính điều đó khiến con người ngày càng xa cách Đức Chúa Trời. Biết luật pháp chưa bao giờ khiến A-đam và Ê-va trở nên tốt hơn hay bằng với Đức Chúa Trời giống như lời quảng cáo của Sa-tan. Ngược lại, nó khiến họ thấy sự lõa lồ, xấu hổ. Nó đem đến sự sợ hãi, bất an và khiến họ xa cách với Cha yêu thương.
Biết luật pháp chưa bao giờ khiến A-đam và Ê-va trở nên tốt hơn hay bằng với Đức Chúa Trời giống như lời quảng cáo của Sa-tan.
Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời, Chúa Jesus đã đến để đem cho con người một cơ hội thứ hai để chọn lựa. Ngài đến để hoàn tất giao ước của luật pháp khi kêu lên rằng: "Mọi việc đã được trọn" (Giăng 19:29). Ngài đã hoàn thành trọn vẹn mọi đòi hỏi của luật pháp - sống một đời sống trọn vẹn, thánh khiết hoàn hảo theo tiêu chuẩn công bình của luật pháp. Căn cứ theo luật pháp thì Chúa Jesus là con người duy nhất đạt tiêu chuẩn người công bình tính từ khi luật pháp được ban cho qua Môi-se tại núi Si-nai. Trong sự mặc khải của Phúc Âm, Chúa Jesus chịu đóng đinh trên thập tự giá là để giết chết "ông chồng cũ" luật pháp của con người để bạn và tôi được trở thành người "nữ tự do". Và sau đó, khi Ngài sống lại từ cõi chết bởi quyền năng của Đức Chúa Trời con người có quyền để tiếp nhận người chồng thứ hai là Đấng Christ phục sinh. Và qua Đấng Christ con người nhận được sự xưng công bình theo cách mới: tin nhận Đấng Christ và trở thành "vợ" của Ngài. Ai đáp ứng được điều này sẽ được đón nhận vào trong gia đình của Đức Chúa Trời trong tư cách là người được thừa hưởng mọi quyền lợi từ giao ước mà Chúa Jesus Christ đã thiết lập với Đức Chúa Trời tại thập tự giá.
Như vậy, chữ tin Chúa Jesus để được xưng công bình không hề mang ý nghĩa của một niềm tin tôn giáo thuần túy mà đó là cụm từ về sự ràng buộc, sự kết ước và hiệp nhất với Đấng Christ. Khi chọn để tin cậy Chúa Jesus thì đồng nghĩa bạn phải từ bỏ sự chọn lựa tin cậy vào luật pháp để xưng công bình. Vì Đức Chúa Trời đã không còn sử dụng cách đó để xưng công bình cho con người nữa.
Ngày nay, nếu bạn đã tin Chúa Jesus nhưng vẫn cậy việc làm vào luật pháp để được xưng công bình thì bạn đã phạm tội "ngoại tình thuộc linh". A-đam đã chọn luật pháp tại vườn Ê-đen còn Chúa Jesus đem đến cho bạn cơ hội thứ hai để chọn CÂY SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI.
Ngày nay, nếu bạn đã tin Chúa Jesus nhưng vẫn cậy việc làm vào luật pháp để được xưng công bình thì bạn đã phạm tội "ngoại tình thuộc linh"
c. Sự xưng công bình là cho tất cả mọi người (Ro 3:22b-23)
Đức Chúa Trời ban luật pháp của Ngài cho người Do Thái, chớ không ban cho dân ngoại nhưng Phúc Âm Cứu Rỗi của Chúa Giê-xu Christ được ban cho tất cả mọi người. Mọi người đều cần sự cứu rỗi. Chẳng có sự phân biệt nào giữa người Do Thái với người ngoại bang khi sự đoán phạt xảy đến. “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Ro 3:23). Đức Chúa Trời tuyên bố mọi người đều có tội để Ngài có thể ban cho mọi người ơn cứu chuộc nhưng không.
d. Bạn được xưng công bình chỉ bởi ân điển (3:24)
Một trong những thuộc tính tuyệt đối của Đức Chúa Trời ấy là tình yêu thương: “Đức Chúa Trời là tình yêu thương” (IGi 4:8). Khi Đức Chúa Trời liên hệ tình yêu ấy cho bạn và tôi, tình yêu ấy trở nên ân điển và sự thương xót. Bởi lòng thương xót Ngài, Đức Chúa Trời không ban cho chúng ta những gì chúng ta đáng nhận, và bởi ân điển Đức Chúa Trời ban cho chúng ta những gì chúng ta không đáng nhận. Chữ “nhưng không” trong tiếng Hy Lạp được dịch là “không có nguyên do” trong Gi 15:25. Chúng ta được xưng công bình không có nguyên do! Chúng ta không có nguyên nhân nào xứng đáng nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trờí! Tất cả bởi ân điển!
e. Bạn được xưng công bình bởi sự chuộc tội trong Chúa Giê-xu Christ (Ro 3:24b-25)
Sự cứu rỗi không đòi giá, nhưng không rẻ tiền. Ba chữ diễn tả giá Đức Chúa Trời đã trả thay cho ơn cứu rỗi của chúng ta: Tế lễ vãn hồi, sự cứu chuộc và huyết. Trong ngôn ngữ loài người, “tế lễ vãn hồi” có nghĩa là dùng một món quà làm cho ai nguôi cơn giận. Nhưng đây không phải là điều nói đến trong Kinh Thánh. “Tế lễ vãn hồi” có nghĩa là thoả mãn luật pháp thánh khiết của Đức Chúa Trời, thoả đáp những đòi hỏi công bình của luật pháp, để Đức Chúa Trời có thể tha thứ dồi dào cho người chạy đến với Đấng Christ. Chữ “huyết” dạy chúng ta biết giá Chúa Giê-xu phải trả khi Ngài phải chịu chết trên thập tự giá để làm trọn luật pháp và xưng công bình cho tội nhân hư mất.
Minh hoạ có ý nghĩa nhất cho chân lý này là Ngày Đại lễ Chuôc Tội của dân Do Thái mô tả trong Le 16:1-34. Hai con dê được dâng nơi bàn thờ, một trong hai con ấy được chọn làm của lễ. Con dê bị giết và huyết nó được mang vào nơi chí thánh rảy trên nắp thi ân, nắp làm bằng vàng đặt trên hòm giao ước. Huyết rưới trên nắp thi ân bao phủ hai bảng luật pháp bên trong hòm giao ước. Huyết con sinh thoả mãn sự đòi hỏi công bình của Đức Chúa Trời thánh khiết (cách tạm thời).
Sau đó thầy tế lễ đặt tay người trên đầu con dê còn lại và xưng tội lỗi của dân chúng. Rồi người thả con dê vào trong đồng vắng biểu tượng cho tội lỗi được quăng xa khỏi dân chúng. “Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu thì Ngài cũng đem các sự vi phạm xa khỏi các ngươi cũng bấy nhiêu” (Thi 103:12). Trong thời Cựu Ước, huyết con thú không thể cất đi tội lỗi huyết con sinh chỉ có thể che đậy tội lỗi cho đến khi Chúa Giê-xu đến chuộc mua sự cứu rỗi đã hoàn tất. Đức Chúa Trời “đã bỏ qua các tội phạm trước kia” (Ro 3:25), biết rằng Con Ngài sẽ đến làm trọn công tác cứu chuộc. Vì sự chết và sống lại của Ngài, sẽ có “sự cứu chuộc” - tội nhân được chuộc mua và buông tha cho được tự do.
Một lần nọ Tiến sĩ G. Campbell Morgan cố tìm cách giải thích “sự cứu rỗi nhưng không” cho một người thợ mỏ, nhưng người thợ này không hiểu được ý nghĩa ấy. Người này cứ lý luận, “Tôi phải trả giá cho sự cứu rỗi”. Một tia sáng Chúa soi tỏ trong lòng, Tiến sĩ Morgan hỏi, “Sáng nay làm thế nào anh xuống được hầm mỏ?”. Người thợ mỏ đáp, “Ồ, thật đơn giản. Tôi chỉ ngồi vào thang máy và đi xuống, có vậy thôi.”
Sau đó Morgan hỏi, “Việc ấy đơn giản quá vậy sao? Anh không phải trả giá gì à?”
Người thợ mỏ cười. “Ồ không, tôi không phải trả thứ gì cả nhưng công ty đã trả một khoản tiền lớn để lắp đặt chiếc thang máy ấy”. Sau đó người thợ mỏ hiểu được chân lý: “Để được cứu tôi không trả một giá nào cả, nhưng Đức Chúa Trời đã trả xong bằng chính mạng sống Con Ngài.”
f. Bạn được xưng công nghĩa trong sự công bình trọn vẹn (3:25a-26)
Cho nên, ngày nay Kinh Thánh không hề tỏ ra e sợ mà gọi tất cả những người tin Chúa Jesus là những người thánh, trọn vẹn không chỗ trách được và là người công bình. Bạn có để ý, đầu thư gửi cho các Hội Thánh tại các thành phố khác nhau nhưng Phao-lô luôn gọi họ là "những người thánh, người được yêu dấu, gọi là thánh đồ,..." không? Có phải vì họ toàn là những người toàn hảo và trọn vẹn không? Không hề, nếu chúng ta đọc nội dung các thư tín ấy thì hầu hết các Hội Thánh đều có nan đề, có sai lầm, thậm chí là tội lỗi. Tuy vậy, những điều đó không hề khiến Phao-lô phải ngập ngừng trong việc gọi những người đó là người công bình, thánh khiết, nên thánh hay thánh đồ. Vì sao? Vì chính Phao-lô hiểu rất rõ về lẽ thật sự xưng công bình bởi đức tin và chính ông đã dành cả cuộc đời để công bố. Sự công chính của Đức Chúa Trời qua Chúa Jesus không còn căn cứ theo việc làm nữa mà căn cứ trên đức tin nơi công việc đã được thực hiện cách hoàn hảo trong Con yêu dấu của Ngài.
Đó là lí do, Phao-lô nói rằng ông không giảng bất cứ điều gì khác ngoài thập tự giá của Đấng Christ (Ga-la-ti 6:14). Dĩ nhiên, chúng ta đều biết Phao-lô giảng dạy hầu hết mọi khía cạnh về Phúc Âm và đời sống thực hành đức tin trong Chúa Jesus nhưng ông khẳng định ông chỉ giảng về thập tự giá. Điều đó có nghĩa rằng Phao-lô soi xét tất cả mọi phương diện, sự dạy dỗ của ông dựa trên ánh sáng của thập tự giá hay nói cách khác, Phao-lô sử dụng giao ước mới được thiết lập tại thập tự giá qua công tác đã được trọn vẹn của Chúa Jesus để làm hệ quy chiếu soi sáng cho tất cả mọi vấn đề mà ông chia sẻ, giảng dạy. Và qua ánh sáng này, Phao-lô luôn nhìn nhận sự công bình trọn vẹn của kẻ tin nơi Đấng Christ.
Nhiều người có thể thắc mắc, làm sao Đức Chúa Trời có thể gọi tôi là công bình trọn vẹn trong khi tôi vẫn còn rất nhiều lỗi lầm và yếu đuối? Nếu bạn cũng thắc mắc như vậy thì hãy suy gầm điều này: LÀM THỂ NÀO MÀ ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ THỂ GỌI ĐẤNG VÔ TỘI LÀ CÓ CÓ TỘI VÀ ĐÓNG ĐINH NGÀI TRÊN CÂY THẬP TỰ?
Vượt ra khỏi sự suy tưởng của con người, Đức Chúa Trời vĩ đại đã thực hiện chương trình của Ngài cách lạ lùng. Cùng một cách mà Đức Chúa Trời đã khiến Chúa Jesus là Đấng thánh khiết, công bình, hoàn hảo trở nên kẻ ĐẠI TỘI đến nỗi trong giây phút ấy Đức Chúa Trời đã không thể nhìn nhận người Con Yêu Dấu của Ngài. Chúa Jesus đã phải la lên rằng: Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi? (Ma-thi-ơ 27:46). Phải chính Đức Chúa Trời đã lìa bỏ Chúa Jesus cách hợp pháp thể nào thì bây giờ Ngài cũng xưng bạn từ kẻ có tội trở thành công bình cách hợp pháp thể ấy. Ha-lê-lu-gia! Đây chính là quyền năng của Phúc Âm, là hành động của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin và xưng mọi kẻ tin là công bình. Đó là lí do mà chúng ta đều thừa nhận rằng chúng ta thảy được cứu nhờ ân điển bởi đức tin. Hoàn toàn không hề có sự đóng góp nào của chúng ta trong sự cứu rỗi của Ngài ngoài việc chúng ta chọn TIN vào công việc của Chúa Jesus tại thập tự giá. Đó là điều kiện duy nhất giống hệt diều duy nhất khiến cả nhân loại chìm vào tội lỗi: A-đam đã chọn TIN vào luật pháp.
LÀM THỂ NÀO MÀ ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ THỂ GỌI ĐẤNG VÔ TỘI LÀ CÓ CÓ TỘI VÀ ĐÓNG ĐINH NGÀI TRÊN CÂY THẬP TỰ?
Chắc chắn Đức Chúa Trời phải phù hợp với chính Ngài. Ngài không thể phá bỏ luật pháp của Ngài hoặc làm trái với bản thể của Ngài. “Đức Chúa Trời là tình yêu thương” (IGi 4: 8), và “Đức Chúa Trời là sự sáng” (IGi 1:5). Đức Chúa Trời của tình yêu muốn tha thứ cho tội nhân, nhưng Đức Chúa Trời thánh khiết phải hình phạt tội lỗi và giữ đúng luật công bình của Ngài.
Làm thế nào Đức Chúa Trời vừa là “công bình và Đấng xưng công bình” được? Câu trả lời ở trong Chúa Jesus Christ. Khi Chúa Jesus gánh chịu sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời trên thập tự giá thay cho tội lỗi thế gian, Ngài làm thoả mãn trọn vẹn mọi đòi hỏi của luật pháp Đức Chúa Trời, và cũng bày tỏ trọn vẹn tình yêu của Đức Chúa Trời. Con sinh tế trong Cựu Ước không bao giờ cất đi tội lỗi nhưng khi Chúa Jesus chết, Ngài trở về từ A-đam và gánh lấy mọi tội lỗi ấy. Không ai (kể cả Sa-tan) có thể kiện cáo Đức Chúa Trời là không công bình hoặc bất công vì Ngài tha thứ mọi tội lỗi trong thời Cựu Ước.
g. Khi được xưng công bình bởi đức tin bạn làm vững mạnh luật pháp (Ro 3:27-31)
Vì các độc giả Do Thái, Phao-lô muốn nói nhiều hơn về mối liên hệ của Phúc Âm với luật pháp. Giáo lý xưng nghĩa bởi đức tin không nghịch lại với luật pháp, vì giáo lý ấy làm vững mạnh luật pháp. Nhưng giáo lý ấy trái ngược với niềm tin của người Do-thái cậy nơi việc làm theo luật pháp vì họ luôn tự hào về điều đó. Luật pháp được ban cho người Do-thái hầu cho để họ nhận biết Đấng Cứu Rỗi chứ không phải để họ được xưng công nghĩa. Luật pháp là thiêng liêng bởi nó đến từ Đức Chúa Trời nhưng bạn không được cứu bởi điều thiêng liêng ấy mà bạn được cứu bởi Đấng Thiêng Liêng đã trở nên bất khiết, dơ bẩn và tội lỗi thay bạn tại thập tự giá.
Đức Chúa Trời tuân theo luật pháp của Ngài trong việc tiến hành phương pháp cứu rỗi. Chúa Jesus sinh ra và chịu chết làm ứng nghiệm trọn vẹn những đòi hỏi của luật pháp. Đức Chúa Trời không có hai phương cách cứu rỗi, một cho người Do Thái và một cho người ngoại bang vì Ngài là một Đức Chúa Trời. Ngài nhất quán với bản thể và luật pháp của Ngài. Nếu cứu rỗi đến bởi luật pháp, lúc ấy con người có thể khoe khoang nhưng nguyên tắc đức tin không thể làm cho con người khoe khoang được.
Người bơi lội khi được cứu khỏi chết đuối không khoe khoang được vì anh ta tin cậy vào người cứu mạng. Anh có thể làm gì khác hơn? Khi một tội nhân ăn năn được xưng công nghĩa bởi đức tin, anh ta không thể khoe mình về đức tin, nhưng có thể khoe mình về Đấng Cứu Rỗi Lạ Lùng.
Joshua Pham
11 Vả, ân điển Đức Chúa Trời hay cứu mọi người, đã được bày tỏ ra rồi.12 Ân ấy dạy chúng ta chừa bỏ sự không tin kính và tình dục thế gian, phải sống ở đời nầy theo tiết độ, công bình, nhân đức,13 đương chờ đợi sự trông cậy hạnh phước của chúng ta, và sự hiện ra của sự vinh hiển Đức Chúa Trời lớn và Cứu Chúa chúng ta, là Đức Chúa Jêsus Christ,14 là Đấng liều mình vì chúng ta, để chuộc chúng ta khỏi mọi tội và làm cho sạch, đặng lấy chúng ta làm một dân thuộc riêng về Ngài, là dân có lòng sốt sắng về các việc lành.15 Hãy dạy các điều đó, lấy quyền đầy đủ mà khuyên bảo quở trách. Chớ để ai khinh dể con.
I. Chúa Jesus Là Ân Điển Đã Được Bày Tỏ:
Giăng 1:17 Vì luật pháp đã ban cho bởi Môi-se, còn ân điển và lẽ thật bởi Đức Chúa Jêsus Christ mà đến.
John 1:14 And the Word became flesh, and dwelt among us (....,) full of grace and truth;
Giăng 1:14 Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ân điển và lẽ thật;
Ân điển không phải là một giáo lý, một triết lý hay một hình thức khổ luyện để thành tài. Ân điển của Đức Chúa Trời ấy chính là Chúa Jesus Christ, Con Một yêu dấu của Ngài. Chính Ngài đã đến dâng hiến chính mình làm một sự thay thế ngoạn mục để biến những gì không thể thành có thể, gọi những gì không có như đã có rồi. Đấng Công Chính đã đến để trở nên bất chính nhờ đó những kẻ bất chính được trở nên công chính khi tin nhận Ngài (II Cor 5:21).
Qua việc xưng công bình ấy Chúa Jesus trở nên nguồn ân điển cho thế giới hư hoại và tăm tối này. Ân điển là ơn dành cho người không xứng đáng, ân điển khiến cho người không xứng đáng trở nên xứng đáng, ân điển không đòi giá nơi người nhận nhưng lại đòi hỏi giá trị tuyệt đối nơi người ban cho. Ân điển miễn phí 100% nhưng không hề rẻ rúng, vô giá trị mà ngược lại sự miễn phí của ân điển dẫn con người đến chỗ quy phục hoàn toàn nơi Đức Chúa Trời.
II. Ân Điển - Nguồn Năng Lượng Vô Tận Để Sống Tin Kính
Nhiều người thường nghĩ ân điển chỉ có giá trị trong sự cứu rỗi khỏi sự chết nhưng sự thật thì ân điển không chỉ dừng lại ở sự cứu rỗi mà ân điển ảnh hưởng đến mọi mặt, mọi lĩnh vực trong đời sống của Cơ-đốc nhân.
Câu "Ân ấy dạy chúng ta chừa bỏ sự không tin kính và tình dục thế gian,phải sống ở đời nầy theo tiết độ, công bình, nhân đức," trong nguyên ngữ có ý nghĩa: "Chúng ta đã được hướng dẫn để thoát khỏi đời sống bất kính và lòng ham muốn tội lỗi (And we are instructed to turn from godless living and sinful pleasures). Chính Chúa Jesus đến để bày tỏ cho chúng ta Lẽ Thật, Đường Đi và Sự Sống.Bởi Lẽ Thật Ngài khiến chúng ta nhận ra sự không tin kính của mình bằng chính sự chết của Ngài trên thập tự. Con người đã luôn chống nghịch lại với ý muốn của Đức Chúa Trời cho đến khi được mở mắt để thấy tình yêu lạ lùng của Chúa Jesus tại thập tự giá. Qua Chúa Jesus chính Ngài đã mở một con đường mới và sống ngang qua xác Ngài. Ai muốn đi vào nước Thiên đàng đều phải đi ngang qua chính Ngài, đều phải đồng ý tiếp nhận lấy sự chết của Chúa Jesus là dành cho mình. Như vậy, Đức Chúa Trời quy kể rằng con người cũ đã hoàn toàn chết và bản ngã cũ không còn tồn tại trong cái nhìn của Đức Chúa Trời khi chúng ta bước ngang qua xác của Chúa Jesus. (Heb 10:19-20). Trong cái nhìn của Đức Chúa Trời khi một người tin nhận Chúa Jesus là Đấng chết thay họ thì Ngài cũng quy kể rằng họ cùng sống lại với Chúa Jesus khi Ngài phục sinh vinh hiển. (Ê-phê-sô 2:6; Rô 8:11; I Cô 6:14)
I Cô.15:17 Và nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại, thì đức tin anh em cũng vô ích, anh em còn ở trong tội lỗi mình.
Chúng ta không còn ở dưới tội lỗi không phải bởi nỗ lực sống tốt của chính mình hay bởi tri thức nhưng bởi sự sống lại của Đấng Christ. Đôi lúc nhiều người nghĩ rằng cứu chúng ta là việc của Chúa nhưng tin kính và sống thánh thiện là việc của mình, là sự nỗ lực của bản thân Đức Chúa Trời không thể can thiệp vì đó là quyền tự do của chúng ta nhưng sự thật nếu không bởi ân điển thì không ai trong chúng ta có thể tin kính và chừa bỏ bất cứ ham muốn tội lỗi nào cả. Nếu ân điển đủ quyền năng để cứu chúng ta khỏi sự chết thì ân điển cũng dư dật quyền năng bội phần hơn để giải phóng chúng ta khỏi đời sống bất kính và lòng ham muốn tội lỗi. Ân điển không phải là giấy phép để phạm tội nhưng ngược lại ân điển là nguồn năng lượng vô tận để vận hành con người mới được tái tạo bởi quyền năng của Đức Thánh Linh.
Vấn đề là nhiều người sau khi được cứu bởi ân điển đã vội vàng quay trở lại tìm sự công bình, sự tin kính bằng cách cố gắng tuân giữ luật pháp. Họ không hề biết Đấng Christ đã chuộc họ ra khỏi luật pháp rồi vì luật pháp chính là nguyên nhân duy nhất còn lại khiến cho tội lỗi có quyền để cột trói đời sống của họ. (Rô 6:14) Họ nỗ lực để rồi thất bại rồi lại nỗ lực và thất bại,... cứ như vậy dần khiến cho họ bắt đầu vô tín với công tác hoàn tất của Đấng Christ, họ không còn đủ sự đơn sơ để tin rằng Chúa Jesus đã làm trọn mọi sự họ cần để sống tin kính và thánh khiết tại thập tự giá. Họ không thể tin rằng họ luôn là người công bình trước mặt Đức Chúa Trời Đấng Christ đã trở nên bất chính thay cho họ. Họ được thuyết phục rằng con người cần phải hoàn thành một điều gì đó mới đủ điều kiện để nhận lãnh các ơn phước khác, ngoài sự cứu chuộc ra. Ví dụ như: khi bạn nêu nan đề về tài chánh thì lập tức sẽ nhận được sự nhắc nhở về sự dâng hiến, khi bạn bị bịnh tật hay gặp nan đề, rắc rối thì sẽ nhận câu hỏi nghi ngờ về sự giấu diếm tội lỗi nào đó,...
Bạn thấy đó, tâm trí của con người thường có xu hướng để tập chú vào những gì mà mình đã làm được hơn là tập chú vào những gì đã được hoàn thành. Tại thập tự giá Chúa Jesus đã la lớn rằng: Mọi Sự Đã Được Trọn để thuyết phục bạn và tôi tin rằng Ngài đã hoàn thành tất cả mọi điều cần thiết để chúng ta được cứu, được sống và được đồng thừa hưởng sự vinh hiển của Ngài. Đánh mất sự tập chú nơi những gì Chúa Jesus đã hoàn tất cho chúng ta tại thập tự giá đồng nghĩa với việc chúng ta đang lãng quên một nguồn năng lượng vô tận để sống dư dật và sung mãn trong cuộc đời này.
III. Ân Điển - Quyền Năng Tẩy Sạch Tuyệt Đối Và Đời Đời
Tít 2:13-14 Chúa Cứu Thế Giê-su. 14Đấng đã dâng hiến chính mình cho chúng ta, để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác và tẩy sạch để biến chúng ta thành một dân tộc thuộc riêng về Ngài, một dân sốt sắng làm các việc lành. (BDM)
Cuộc sống của Cơ-đốc nhân không giống như một bức tường trắng chỉ được sử dụng khi không có vết bẩn và phải được lau chùi hay sơn phết lại rồi mới sử dụng tiếp khi bị vấy bẩn. Chúng ta được chuộc khỏi mọi điều gian ác và tẩy sạch một lần đủ cả (Heb 10:10) và tẩy sạch đời đời (Heb 10:14). Công tác tẩy sạch bởi ân điển của Chúa Jesus luôn vượt quá sự hiểu biết của con người, vì con người bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng Ngài không hề bị giới hạn và những gì Ngài làm cũng không bị giới hạn. Đức Chúa Trời tẩy sạch bạn qua công tác của Con Ngài và phần của bạn là chọn để tin hoàn toàn vào điều ấy. Đó chính là loại đức tin khiến Đức Chúa Trời đẹp lòng. Bởi ân điển chúng ta trở nên dân riêng của Đức Chúa Trời và bởi ân điển chúng ta sốt sắng làm việc lành. Khi nhận biết điều này chúng ta đã đang và tiếp tục đi ngược lại với quan niệm và hệ thống giá trị của thế gian này "nhân-quả". Chúng ta không sống dựa trên nhân - quả, chúng ta sống dựa trên Jesus - Quả. Chúa Jesus đã làm và chúng ta nhận lấy kết quả của Ngài. Ngài đã hoàn tất! Không còn chỗ cho nỗ lực của chúng ta mà hoàn toàn chỉ bởi ân điển nhưng không của Ngài. Hãy công bố ân điển Chúa giúp đỡ bạn và tôi mỗi ngày để sống tin kính, thánh khiết,tiết độ, công bình, nhân đức. Hãy luôn luôn tập chú vào những gì Chúa đã làm cho chúng ta hơn là những gì chúng ta có thể làm. Hãy luôn ý thức về quyền năng tẩy sạch tuyệt đối và đời đời bởi ân điển của Chúa Jesus mỗi phút mỗi giây vì ấy chính là nguồn năng lực vô tận để bắt đầu kinh nghiệm một đời sống phước hạnh và đắc thắng trong Chúa Jesus Christ.
Joshua Phạm
Trong bản chất con người có điều gì đó khiến chúng ta muốn có những hành động cực đoan, một nhược điểm làm cho con cái Chúa không hoàn toàn tự do. “Vì chúng ta được cứu bởi ân điển”, một số người lý luận, “chúng ta được tự do sống tuỳ thích”, đó là thái độ tuỳ tiện.
Số người khác lập luận, “Nhưng chúng ta không thể làm ngơ với luật pháp Đức Chúa Trời được. Chúng ta được cứu nhờ ân điển là điều chắc chắn nhưng chúng ta phải sống dưới luật pháp nếu chúng ta muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời”. Đây là thái độ đề cao luật pháp.
Phao-lô trả lời nhóm người đầu tiên trong chương 6, nhóm thứ hai được trả lời trong chương 7. Chữ luật pháp được dùng 23 lần trong chương này. Ở chương 6, Phao-lô dạy chúng ta cách nào thôi không làm điều xấu ở chương 7 ông dạy thế nào không làm điều lành. Ông lý luận, “Anh em không được xưng công bình bởi việc giữ luật pháp, và bạn không thể được thánh hoá do việc gìn giữ luật pháp.”
Mỗi con cái Chúa lớn lên hiểu được kinh nghiệm trong Rô-ma chương 6 và 7. Một khi chúng ta học biết cách “biết, kể mình như là, và qui phục”, chúng ta bắt đầu chiến thắng được các thói quen của xác thịt, và chúng ta cảm thấy rằng chúng ta đang trở nên thiêng liêng hơn. Chúng ta tự lập cho mình các tiêu chuẩn và lý tưởng cao đẹp và dường như trong khoảnh khắc chúng ta đạt được tất cả những điều đó. Rồi mọi sự đổ sập! Chúng ta bắt đầu nhìn lại lòng mình và khám phá ra rằng chúng ta không biết rằng tội lỗi vẫn còn ở đó. Luật pháp thánh khiết của Đức Chúa Trời nhận năng quyền mới, và chúng ta tự hỏi liệu chúng ta có làm điều tốt nào chăng! Không nhận ra điều đó, chúng ta đã bước vào “sự giữ luật pháp” và học biết chân lý về tội lỗi, luật pháp, và về chính chúng ta.
“Làm theo luật pháp” thật sự là gì? Đó là lòng tin rằng tôi có thể trở nên thánh khiết và làm đẹp lòng Đức Chúa Trời bởi việc vâng giữ điều răn. Đó là trình độ thuộc linh được đánh giá qua hàng loạt những việc làm và những việc không làm. Nhược điểm của việc tuân giữ luật pháp đó là thấy những hành vi tội lỗi nhưng không thấy gốc rễ của tội lỗi. Xét đoán theo bề ngoài chớ không theo bề trong. Hơn nữa, người làm theo luật pháp không hiểu mục đích thật sự của luật pháp Đức Chúa Trời và mối quan hệ giữa luật pháp và ân điển.
Trong đời sống của mình tôi đã từng trải qua những mất mát nặng nề về thuộc linh lẫn tình cảm vì đã cố sức sống nếp sống thánh khiết trên những tiêu chuẩn cao. Tôi đã nhận thấy hậu quả của những nổ lực này: hoặc mình trở thành người giả vờ, hoặc là nếm mùi thất bại và chỉ muốn bỏ hết những khát khao sống nếp sống tin kính. Tôi cũng thấy nhiều người tuân giữ luật pháp cực kỳ nghiêm khắc với người khác - họ chỉ trích, không yêu thương và không tha thứ. Phao-lô muốn cho các độc giả của ông tránh được kinh nghiệm nguy hiểm và khó khăn này. Trong Rô-ma chương 7, ông bàn đến ba chủ đề, nếu hiểu và áp dụng sẽ giải thoát chúng ta khỏi việc tuân giữ luật pháp.
1. Thẩm quyền của luật pháp (Ro 7:1-6)
Các câu Kinh Thánh này thực sự tiếp tục việc bàn luận Phao-lô bắt đầu trong Ro 6:15, trả lời cho câu hỏi, “Chúng ta có phạm tội vì không ở dưới luật pháp nhưng dưới ân điển không?”. Ông dùng minh hoạ một người chủ và tên đầy tớ để giải thích cách nào con cái Chúa vâng phục Đức Chúa Trời. Trong phân đoạn này ông dùng minh hoạ người chồng và người vợ để cho thấy người tin Chúa có mối quan hệ mới đối với luật pháp vì họ đã liên hiệp với Chúa Giê-xu Christ.
Minh hoạ này là một hình ảnh đơn giản, nhưng có bài học sâu sắc. Khi một người nam người nữ lập gia đình, họ được kết hiệp để sống với nhau. Hôn nhân là mối liên kết xác thịt (“Cả hai nên một thịt” Sa 2:24) và mối liên kết này chỉ có thể bị phá vỡ do một nguyên nhân thể chất khác. Nguyên nhân ấy là sự chết (Mat 5:31-34 19:1-12 cho thấy rằng không chung thuỷ cũng phá vỡ sự ràng buộc hôn nhân, nhưng Phao-lô không đưa ra điểm này. Ông không có ý bàn luận về hôn nhân và li dị nhưng ông muốn dùng hôn nhân để minh hoạ một quan điểm).
Họ còn sống bao lâu, người chồng người vợ còn ở dưới quyền của luật hôn nhân. Nếu người vợ bỏ chồng và cưới người đàn ông khác, nàng phạm tội ngoại tình. Nhưng nếu người chồng chết, nàng tự do tái giá vì nàng không còn là người vợ nữa. Chính sự chết đã phá vỡ mối liên hệ hôn nhân và để nàng tự do.
Bài học của Phao-lô trong câu 4 đến câu 6 giải quyết xong lập luận. Ông nêu lên hai sự kiện tuyệt diệu để giải thích cho mối quan hệ của con cái Chúa đối với luật pháp
a. Chúng ta chết đối với luật pháp (Ro 7:4)
- Dường như Phao-lô mâu thuẫn với minh hoạ của ông nhưng không phải vậy. Khi chúng ta chưa được cứu (“trong xác thịt.”, Ro 7:5), chúng ta ở dưới quyền sai khiến của luật pháp Đức Chúa Trời. Chúng ta bị luật pháp ấy lên án Khi chúng ta tin nhận Đấng Christ và làm một cùng Ngài, chúng ta chết đối với luật pháp giống như chúng ta chết đối với xác thịt (Ro 6:1-10). Luật pháp không chết nhưng chúng ta chết.
Nhưng trong hình ảnh Phao-lô minh hoạ về hôn nhân, chính người chồng chết và người vợ lập gia đình trở lại. Nếu bạn và tôi tiêu biểu cho người vợ và luật pháp tiêu biểu cho người chồng, thế thì bài học áp dụng không theo hình ảnh minh hoạ. Nếu người vợ trong minh hoạ chết, phương cách duy nhất nàng có thể lập gia đình trở lại là sẽ phải trở về từ cõi chết. Nhưng đó lại chính xác là điều Phao-lô muốn dạy! Khi tin nhận Đấng Christ, chúng ta đã chết đối với luật pháp nhưng trong Đấng Christ, chúng ta sống lại từ cõi chết và hiện nay chúng ta hiệp làm một với Đấng Christ để sống một nếp sống mới!
Luật pháp đã không chết, vì luật pháp Đức Chúa Trời vẫn còn cai trị trên con người. Chúng ta chết đối với luật pháp, và luật pháp không còn sai khiến chúng ta nữa. Nhưng chúng ta không sống “vô luật pháp” nhưng chúng ta liên hiệp làm một với Đấng Christ, dự phần trong sự sống của Ngài, và vì vậy chúng ta bước đi “trong đời mới”. Ro 8:4 đưa lập luận đến cao điểm: “Hầu cho sự công bình mà luật pháp buộc phải làm được trọn trong chúng ta, là kẻ chẳng noi theo xác thịt, nhưng noi theo Thánh Linh.” Trong nếp sống cũ tội lỗi, chúng ta sanh ra bông trái “sự chết”, nhưng trong nếp sống mới ân điển, chúng ta “sanh bông trái trong Đức Chúa Trời”. “Chết đối với luật pháp” không có nghĩa là chúng ta sống nếp sông vô luật pháp. Điều đó chỉ mang nghĩa là sự thúc đẩy và động lực trong nếp sống chúng ta không xuất phát từ luật pháp: Nó xuất phát từ ân điển của Đức Chúa Trời qua việc hiệp làm một với Đấng Christ.
b. Chúng ta được buông tha khỏi luật pháp (7:6)
- Đây là lời kết luận lô-gíc: Luật pháp không thể thi hành quyền cai trị trên người đã chết. Bản Kinh Thánh chính thức viết như thể luật pháp đã chết nhưng Phao-lô viết “chúng ta đã chết về luật pháp là đều bắt buộc mình...”. Chết có nghĩa là buông tha (lưu ý Ro 6:9-10). Nhưng chúng ta được buông tha để chúng ta có thể hầu việc. Nếp sống Cơ Đốc không phải là nếp sống độc lập và nổi loạn. Chúng ta đã chết đối với luật pháp để chúng ta có thể “hiệp làm một với Đấng Christ”. Chúng ta được buông tha khỏi luật pháp để chúng ta có thể phục vụ Đấng Christ. Chân lý này bác bỏ luận điệu xuyên tạc rằng Phao-lô dạy sự vô luật pháp.
Sự hầu việc Cơ Đốc tương phản với nếp sống cũ tội lỗi có gì khác biệt? Trước tiên, Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời ban năng lực cho chúng ta khi chúngta tìm cách vâng phục và hầu việc Chúa. (Chữ Thánh Linh phải được viết hoa trong câu 6 - “cách mới của Thánh Linh”). Dưới luật pháp, chẳng có sự giúp sức nào cả. Mạng lệnh của Đức Chúa Trời được viết trên bảng đá và được đọc cho dân sự nghe. Nhưng dưới Ân điển, Lời Đức Chúa Trời được chép trong lòng chúng ta (IICo 3:1-3). Chúng ta “bước đi trong đời mới” (Ro 6:4) và hầu việc “trong cách mới của Thánh Linh”. Vậy thì người tin Chúa không còn ở dưới quyền của luật pháp nữa.
2. Công việc của luật pháp (Ro 7:7-13)
Những người phản đối Phao-lô đã sẵn sàng! “Luật pháp có ích gì khi chúng ta không cần đến nữa? Sao, một lời dạy như của bạn lại làm cho Luật Pháp thành tội lỗi à!”. Trong câu trả lời cho sự phản đối ấy, Phao-lô giải thích các công việc của luật pháp, các chức năng vẫn còn hợp với ngày nay.
a. Luật pháp bày tỏ tội lỗi (Ro 7:7)
- “Vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi” (Ro 3:20). “Đâu không có luật pháp, thì đó cũng không có sự phạm luật pháp” (Ro 4:15). Luật pháp là cái gương phơi bày cho chúng ta thấy con người bên trong và chỉ cho thấy chúng ta ô uế như thế nào (Gia 1:22-25). Hãy lưu ý Phao-lô không dùng tội giết người, ăn cắp hoặc ngoại tình trong bài sự thảo luận nhưng ông dùng sự tham muốn. Đây là điều cuối cùng trong Mười Điều Răn, và nó khác với chín điều còn lại nó nói đến thái độ bên trong chớ không phải hành động bên ngoài. Sự tham muốn dẫn đến sự vi phạm các điều răn khác! Đó là tội lỗi không thấy được mà hầu hết mọi người chẳng hề nhận ra trong cuộc đời của họ, nhưng luật pháp đã phơi bày điều đó.
Vị Quan Giàu Có trong Mac 10:17-27 là ví dụ hay về việc sử dụng luật pháp để bày tỏ tội lỗi và chỉ cho con người thấy họ cần đến Đấng Cứu Rỗi. Người trai trẻ có nếp sống đạo đức bên ngoài, nhưng chàng ta chẳng bao giờ đối mặt với tội lỗi bên trong. Chúa Giê-xu không dạy cho chàng ta về luật pháp vì luật pháp sẽ cứu anh ta nhưng Ngài dạy anh ta về luật pháp vì chàng trai không nhận ra tình trạng tội lỗi của mình. Quả thật vậy, chàng trai chưa hề phạm tội ngoại tình, không cướp giựt của ai, không làm chứng dối, hoặc sỉ nhục cha mẹ mình nhưng còn tính tham lam thì sao? Khi Chúa Giê-xu dạy chàng ta phải bán của cải mình và bố thí cho kẻ nghèo, chàng ta buồn bã bỏ đi. Điều răn “Ngươi chớ tham lam” đã bày tỏ cho chàng ta thấy mình thật sự là một tội nhân! Thay vì thừa nhận tội lỗi, chàng ta từ chối Đấng Christ và bỏ đi trong sự vô tín.
b. Luật pháp phát sinh tội lỗi (Ro 7:8-9)
- Vì Phao-lô là một người Pha-ri-si sùng đạo, ra sức vâng giữ luật pháp trước khi trở lại với Chúa, cho nên chúng ta dễ dàng hiểu các câu Kinh Thánh này hơn. (Hãy đọc Phi 3:1-11 và Ga 1:1-24 để có thêm dữ kiện về tiểu sử của Phao-lô trong mối quan hệ của ông đối với luật pháp trong những ngày chưa tin Chúa). Cũng hãy nhớ rằng “sức mạnh của tội lỗi là luật pháp” (ICo 15:56). Vì chúng ta có bản chất tội lỗi, nên luật pháp chắc chắn phát sinh ra bản chất ấy giống như cách thỏi nam châm hút sắt vậy.
Trong bản chất con người có điều gì đó muốn phản đối lại bất cứ khi nào một điều luật được ban ra. Tôi đang đứng trong công viên Lincoln tại Chicago, nhìn thấy các băng ghế được sơn mới lại và tôi chú ý đến một dấu hiệu ghi trên mỗi băng ghế: “Đừng sờ vào”. Khi tôi chăm chú nhìn, tôi thấy có nhiều người cố tình đưa tay sờ vào sơn ướt! Tại sao như vậy? Vì dấu hiệu bảo họ đừng sờ vào! Hãy bảo một đứa bé không đừng lại gần nước, và đó chính là việc nó sẽ làm! Tại sao? “Vì sự chăm về xác thịt nghịch với Đức Chúa Trời, bởi nó không phục dưới luật pháp Đức Chúa Trời, lại không thể phục được.” (Ro 8:7).
Người tin Chúa tìm cách sống theo luật lệ và khuôn phép khám phá ra rằng hệ thống luật lệ của họ chỉ phát sinh thêm tội lỗi và tạo ra thêm nhiều rắc rối. Các Hội Thánh tại Ga-la-ti rất chuộng làm theo luật pháp, và họ gánh lấy mọi rối reng. “Nhưng nếu anh em cắn nuốt nhau, thì hãy giữ, kẻo kẻ này bị diệt mất bởi kẻ khác” (Ga 5:15). Việc vâng giữ luật pháp không làm cho họ thêm thiêng liêng hơn nhưng nó làm cho họ thêm tội lỗi! Vì sao? Bởi luật pháp sinh ra tội lỗi trong bản chất chúng ta.
c. Luật pháp giết chết (Ro 7:10-11)
- “Vậy thì luật pháp nghịch cùng lời hứa của Đức Chúa Trời hay sao? Chẳng hề như vậy, vì nếu đã ban cho một luật pháp có thể làm cho sống, thì sự công bình chắc bởi luật pháp mà đến” (Ga 3:21). Nhưng luật pháp không thể ban sự sống: Luật pháp chỉ phơi bày cho tội nhân thấy rằng họ có tội và bị lên án. Điều này giải thích tại sao Cơ Đốc nhân và Hội Thánh không lớn lên và không sanh bông trái thuộc linh. Họ đang sống theo luật pháp, và luật pháp luôn luôn giết hại. Nhiều điều phải chết hơn là một Hội Thánh khuôn mẫu hãnh diện về “những tiêu chuẩn cao” và cố tìm cách sống theo những tiêu chuẩn ấy bằng sức riêng của mình. Thường thì các thành viên trong Hội Thánh như vậy bắt đầu xét đoán và lên án lẫn nhau, và kết cuộc là Hội Thánh tranh cạnh và rồi chia rẽ để lại sự giận dữ và cay đắng.
Khi người mới tin Chúa lớn lên, họ bước vào mối liên hệ với các triết lý khác nhau của nếp sống Cơ Đốc. Người ấy có thể đọc các sách, tham dự các buổi hội thảo, nghe các băng từ, và thu nhận nhiều thông tin. Nếu họ không cẩn thận, họ sẽ chạy theo người lãnh đạo và chấp nhận các lời dạy của người ấy như là Luật lệ. Việc thực hành này là hình thức tinh vi của việc làm theo luật pháp, và nó giết chết sự trưởng thành thuộc linh. Chẳng có thầy giáo nào có thể thay thế cho Đấng Christ được chẳng có quyển sách nào có thể thay cho Kinh Thánh được. Con người có thể cung cấp thông tin cho chúng ta, nhưng chỉ có Đức Thánh Linh mới có thể cho chúng ta sự sáng và giúp chúng ta hiểu được các chân lý thuộc linh. Đức Thánh Linh soi sáng cho chúng ta và giúp chúng ta chẳng có người hướng dẫn nào thuộc về con người có thể làm điều đó.
d. Luật pháp chỉ ra tình trạng của tội lỗi (Ro 7:12-13)
- Người không được cứu biết rằng có một tội lỗi như vậy nhưng họ không nhận ra tình trạng của tội lỗi. Nhiều Cơ Đốc nhân không nhận biết bản chất thật của tội lỗi. Chúng ta biện hộ cho tội lỗi chúng ta phạm bằng những chữ như “lầm lỗi” hoặc “yếu đuối” nhưng Đức Chúa Trời lên án tội lỗi chúng ta và Ngài tìm cách cho chúng ta hiểu rằng chúng “cực kỳ là tội lỗi”. Cho đến khi chúng ta nhận biết tội lỗi thật sự gớm ghiếc như thế nào, chúng ta sẽ chẳng bao giờ muốn phản đối và muốn sống trong chiến thắng.
Lập luận của Phao-lô ở đây thật tuyệt vời: (1) Luật pháp không mắc tội - Luật pháp là thánh, công bình và tốt lành (2) nhưng luật pháp bày tỏ tội lỗi, làm thức tỉnh tội lỗi, rồi sau đó dùng tội lỗi để làm chết chúng ta nếu có điều nào đó tốt như luật pháp làm thành những kết quả này, thì điều ấy có chỗ nào đó sai trật sai (3) kết luận: hãy xem tình trạng của tội lỗi như thế nào khi nó dùng một điều tốt nào đó như luật pháp để tạo ra những kết quả bi thảm như vậy. Quả thật tội lỗi “cực kỳ ác”. Vấn đề không liên quan đến luật pháp nhưng vấn đề liên quan đến bản chất tội lỗi của tôi. Điều này mở đường cho chủ đề thứ ba trong chương này.
3. Sự bất năng của luật pháp (Ro 7:14-25)
Đã giải thích luật pháp cần phải làm gì, bây giờ Phao-lô giải thích những việc luật pháp không thể làm.
a. Luật pháp không thể thay đổi bạn (Ro 7:14)
- Tính chất của luật pháp được mô tả trong bốn chữ: thánh, công bình, tốt lành và thiêng liêng. Không ai có thể phủ nhận luật pháp là thánh và công bình, vì luật pháp đến từ Đức Chúa Trời thánh khiết hoàn toàn chính trực trong mọi lời nói và việc làm của Ngài. Luật pháp là tốt. Nó bày tỏ cho chúng ta sự thánh khiết của Đức Chúa Trời và giúp chúng ta hiểu chúng ta cần đến Đấng Cứu Rỗi.
Có ý gì khi nói rằng luật pháp là “thiêng liêng”? Có nghĩa là luật pháp nói đến người bề trong, phần thiêng liêng của con người, cũng như các hành động bên ngoài. Trong sự ban cho ban đầu của luật pháp chép trong sách Xuất Ê-díp-tô ký, điểm nhấn mạnh nằm ở các việc làm bên ngoài. Nhưng khi Môi-se trình bày lại luật pháp trong sách Phục-truyền luật lệ ký, ông nhấn mạnh chất lượng bên trong của luật pháp khi nó liên quan đến lòng con người. Điểm nhấn mạnh thuộc linh này được nêu rõ trong Phu 10:12-13. Sự lặp lại của chữ “yêu thương” trong Phục-truyền cũng cho thấy rằng ý nghĩa sâu xa của luật pháp có liên quan đến lòng con người (Phu 4:37 6:4-6 10:12 11:1 30:6,6,20).
Bản chất của chúng ta là xác thịt nhưng bản chất của luật pháp là thiêng liêng. Điều này giải thích tại sao bản chất cũ phản ứng lại với luật pháp như nó đã làm. Người ta nói rõ, “Bản chất cũ không biết luật pháp, bản chất mới không cần đến luật pháp.” Luật pháp không thể biến đổi bản chất cũ nó chỉ có thể cho thấy bản chất tội lỗi con người như thế nào. Người tin Chúa cố tìm cách sống dưới luật pháp sẽ chỉ khơi dậy bản tánh cũ chớ không xoá nó đi.
b. Luật pháp không thể giúp bạn làm điều thiện (Ro 7:15-21)
- Trong phân đoạn này ba lần Phao-lô nói đến tội lỗi ấy ngự trị trong chúng ta (Ro 7:14,18,20). Dĩ nhiên, ông có ý muốn nhắc đến con người cũ. Cũng thật đúng Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta và trong Ro 8:1-39 Phao-lô giải thích thế nào Thánh Linh Đức Chúa Trời giúp chúng ta có thể sống trong đắc thắng, một việc luật pháp không thể giúp chúng ta được.
Trong phần này có nhiều đại từ cho thấy tác giả muốn liên hệ vấn đề đến cái tôi. Điều này không nói rằng Cơ Đốc nhân bị chứng tâm thần phân liệt, vì anh ta không phải như vậy. Sự cứu rỗi làm cho con người trở nên trọn vẹn. Nhưng cho thấy rằng tâm trí, ý chí, và thân thể có thể bị bản chất cũ hoặc bản chất mới cai trị, bởi xác thịt hoặc bởi Thánh Linh. Các câu này cho thấy người tin Chúa có hai nan đề nghiêm trọng: (1) họ không thể làm điều thiện mình muốn làm, và (2) họ làm điều xấu mình không muốn làm.
Điều này có nghĩa Phao-lô không thể ngăn chính mình không vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời, có nghĩa là ông ta là kẻ nói dối, trộm cắp và giết người phải không? Dĩ nhiên là không! Phao-lô có ý muốn nói về chính mình ông rằng ông ta không thể vâng theo luật pháp Đức Chúa Trời và ngay cả khi ông ta đã làm theo luật pháp, điều xấu vẫn hiện hữu với ông. Cho dù đã làm điều gì chăng nữa, thì các việc làm của Phao-lô cũng bị tội lỗi làm cho ô uế. Ngay sau khi ông làm hết sức mình, ông đã thừa nhận rằng ông là “đầy tớ vô ích” (Lu 17:10). “Vậy tôi thấy có luật này trong tôi: khi tôi muốn làm lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi” (Ro 7:21). Dĩ nhiên, đây là vấn đề khác với vấn đề trong Ro 6:1-23. Vấn đề ở đó là “Làm thế nào tôi có thể thôi làm điều xấu?” còn vấn đề ở đây là “Làm thế nào tôi có thể làm điều thiện được?”
Người theo luật pháp nói, “Hãy vâng giữ luật pháp, bạn sẽ làm điều thiện và sống nếp sống đạo đức”. Nhưng luật pháp chỉ bày tỏ và sanh ra tội lỗi, luật pháp chỉ cho thấy tình trạng của tội lỗi! Tôi không thể vâng giữ luật pháp vì tôi mang bản chất tội lỗi chống lại luật pháp. Cho dù tôi cho rằng tôi đã làm điều thiện, tôi cũng biết rằng điều dữ vẫn hiện diện. Luật pháp là thiện, nhưng do bản chất tôi là xấu! Vì vậy, người vâng giữ luật pháp là sai lầm: Luật pháp không thể giúp chúng ta làm điều thiện được.
c. Luật pháp không thể cho bạn tự do (Ro 7:21-24)
- Tâm trí của người tin Chúa thường bị cám dỗ để suy nghĩ hoặc tự thuyết phục bản thân rằng: "Tôi sẽ thoát khỏi các tội lỗi cũ này! Bây giờ tôi quyết định tôi sẽ không làm điều này nữa”. Điều gì xảy ra? Anh ta cố hết ý chí và sức lực, và anh ta thành công một thời gian nhưng rồi khi anh ta lơ là, anh ta lại sa ngã trở lại. Tại sao vậy? Vì anh ta ra sức dùng luật pháp chế ngự con người cũ của mình, nhưng luật pháp không thể nào buông tha chúng ta thoát khỏi con người cũ. Khi hành động dưới sự cai trị của luật pháp, bạn chỉ làm cho con người cũ trở nên mạnh mẽ hơn vì “sức mạnh của tội lỗi là luật pháp” (ICo 15:56). Thay vì làm máy phát điện cung cấp cho chúng ta năng lượng để chiến thắng, luật pháp lại là thỏi nam châm hút ra từ chúng ta mọi thứ tội lỗi và băng hoại. Con người bên trong có thể thích thú luật pháp Đức Chúa Trời (Thi 119:35), nhưng con người cũ thích phạm luật pháp Đức Chúa Trời. Người tin Chúa sống dưới sự cai trị của luật pháp trở nên mệt mỏi và nản lòng là lẽ bình thường, và cuối cùng sẽ bỏ cuộc giữa đường! Họ là một tù nhân, thân phận của họ thật “khốn khổ” (Trong tiếng Hy Lạp chữ này cho thấy một người kiệt sức sau trận chiến đấu). Thật chẳng có gì khốn khổ hơn một khi tiêu hao hết sức lực để cố gắng sống nếp sống tốt lành, để rồi chỉ khám phá ra rằng điều tốt nhất bạn làm vẫn chưa tốt đủ!
Có lối thoát nào không? Dĩ nhiên là có! “Cảm tạ Đức Chúa Trời nhờ có Chúa Giê-xu Christ, là Chúa chúng ta Đấng giải cứu tôi!”. Vì người tin Chúa hiệp làm một với Đấng Christ, họ chết đối với luật pháp và chẳng còn thuộc dưới quyền cai trị của luật pháp nữa. Nhưng họ sống cho Đức Chúa Trời và có thể nhận được quyền năng Đức Thánh Linh. Lời giải thích chiến thắng này được chép trong Ro 8:1-39.
Câu cuối trong chương không dạy rằng người tin Chúa sống nếp sống hai mặt: sống trong xác thịt tội lỗi nhưng hầu việc Đức Chúa Trời bằng tâm trí. Điều này có nghĩa thân thể của họ được sử dụng hai cách khác nhau cùng một lúc, điều này không thể được. Người tin Chúa nhận ra rằng có sự giằng co xảy ra bên trong anh ta giữa xác thịt và Thánh Linh (Ga 5:16-18), nhưng họ biết rằng hoặc xác thịt hoặc Thánh Linh sẽ làm chủ.
Dùng chữ “trong trí” Phao-lô muốn nói đến “người bên trong” (Ro 7:22) trái với “xác thịt” (Ro 7:18). Ông nói rõ ý nghĩ này trong Ro 8: 5-8. Người cũ không thể làm điều thiện nào cả. Mọi điều Kinh Thánh dạy về con người cũ đều tiêu cực: “chẳng có điều gì tốt” (Ro 7:18) “không để lòng tin cậy trong xác thịt” (Phi 3:3). Nếu chúng ta nhờ cậy vào năng lực của xác thịt, chúng ta không thể hầu việc Đức Chúa Trời, làm đẹp lòng Ngài, hoặc làm bất cứ điều gì tốt cả. Nhưng nếu chúng ta vâng phục Đức Thánh Linh, chúng ta nhận được năng lực cần có để vâng theo ý muốn Ngài. Xác thịt chẳng bao giờ phục vụ luật pháp Đức Chúa Trời vì xác thịt nghịch thù với Đức Chúa Trời. Nhưng Thánh Linh chỉ có thể vâng theo luật pháp của Đức Chúa Trời! Do đó, bí quyết của việc làm điều lành là phải vâng phục Đức Thánh Linh.
Phao-lô đưa ra điều này trong những câu đầu tiên của chương này khi ông viết “...hầu cho chúng ta được kết quả cho Đức Chúa Trời” (Ro 7:4). Giống như khi chúng ta chết đối với người cũ, chúng ta cũng chết với luật pháp. Nhưng chúng ta hiệp làm một với Đấng Christ và sống trong Đấng Christ, và vì vậy chúng ta có thể kết quả cho Đức Chúa Trời. Chính việc hiệp một với Đấng Christ giúp chúng ta có thể hầu việc Đức Chúa Trời cách vui lòng. “Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài.” (Phil 2:13). Điều đó giải quyết nan đề của Phao-lô trong Ro 7:18: ”Bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn.”
Con người cũ không biết điều luật nào và bản chất mới không cần đến luật pháp. Làm theo luật pháp khiến người tin Chúa bị khốn khổ vì nó gây cho con người mới đau buồn và làm cho bản chất cũ thêm tồi tệ! Người tuân giữ luật pháp trở thành người theo phái Biệt Lập có hành động bên ngoài được mọi người chấp nhận, nhưng những thái độ trong lòng bị người đời khinh khi. Chẳng có gì lạ khi Chúa Giê-xu gọi họ là “mồ mã tô trắng bề ngoài cho đẹp, mà bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ dáy” (Mat 23:27). Quả thật bạn có thể chịu khốn khổ là dường nào!
Joshua Pham
Khi chúng ta nói xưng tội không phải là nguyên nhân khiến mình được tha thứ nhưng Huyết của Chúa Jesus Christ mới chính là nguyên nhân thì điều đó không có nghĩa rằng chúng ta phủ nhận vai trò của việc xưng tội và bảo mọi người không cần xưng tội.
Xưng tội thể hiện sự nhận biết sai lầm của mình. Xưng tội thể hiện tấm lòng muốn thay đổi và sửa chữa lỗi lầm. Xưng tội khiến lòng bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn là cứ giữ mãi trong lòng. Xưng tội có thể là công cụ hữu hiệu để hàn gắn những mối quan hệ bị rạn nứt và tổn thương trong một cộng đồng.
Tuy nhiên, xưng tội chẳng thể làm tội lỗi bạn biến mất. Xưng tội cũng không khiến tội lỗi bạn được tha thứ. Xưng tội càng không thể khiến bạn trở nên thánh khiết. Việc trích I Giăng 1:9 làm nền tảng cho giáo lý xưng tội để được tha thứ là một sự trích dẫn thiếu suy xét và "đoạn chương thủ ý". (Xin đọc thêm bài viết: Ý NGHĨA I GIĂNG 1 - ÁNH SÁNG CHO NHỮNG TÂM HỒN SAI LẠC)*. Xưng tội càng không thể khiến chúng ta trở nên công chính. Xưng tội không bao giờ khiến chúng ta trở thành thánh nhân.
Nhiều người đã lầm tưởng rằng xưng tội là ăn năn hay là biểu hiện của sự ăn năn. Nhưng điều này không chính xác! Từ ngữ ăn năn được sử dụng trong tiếng Hê-bơ-rơ trong Tân Ước là từ metanoeó (μετανοέω) có ý nghĩa là : sự thay đổi tâm trí hoặc mục đích (to change one's mind or purpose)**. Đó mới thật sự là ý nghĩa của sự ăn năn. Một người có thể quỳ gối xuống khóc lóc, kể lễ về tội lỗi hàng giờ nhưng khi đứng dậy vẫn quay lại con đường cũ của mình bởi vì tâm trí không hề được thay đổi. Nhưng sự ăn năn thật sự chỉ đến khi tâm trí chúng ta được thay đổi. Và chỉ có chân lý, Lẽ Thật và sự sống của Chúa Jesus mới khiến chúng ta được thay đổi từ bên trong chứ không phải là bên ngoài.
Bên cạnh đó, khi chúng ta ý thức sự xưng tội như là một phương cách để qua đó Đức Chúa Trời mới có thể tha thứ cho chúng ta thì chúng ta đã vô tình phủ nhận hoặc làm yếu kém đi nguyên nhân duy nhất của vũ trụ khiến chúng ta được tha thứ, được cứu rỗi và nên thánh: ấy chính là HUYẾT BÁU CỦA CHÚA JESUS CHRIST- CHIÊN CON CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI ĐẤNG CẤT TỘI LỖI THẾ GIAN ĐI. Và nếu Đức Chúa Trời sau khi đã hy sinh Con Một Yêu Dấu của mình để hầu cho qua Con ấy thế gian được tha thứ (II Cô 5:19; I Giăng 1:7; I Giăng 2:1) lại còn ra thêm một điều kiện nữa là nếu ai xưng tội thì Ngài mới tiếp tục tha thứ và được cứu rỗi thì khác nào Đức Chúa Trời cứu chúng ta nhưng lại tròng vào chúng ta một cái thòng lọng có thể khiến chúng ta xa cách vĩnh viễn với Ngài bất cứ lúc nào. Sống một đời sống như vậy không thể nào là "sự bình an mà thế gian không thể có" như lời Chúa Jesus đã phán hứa được (Giăng 14:27). Nhưng nếu đó thật sự là phương cách của Đức Chúa Trời để chúng ta qua đó được tha thứ và được sự sống đời đời thì thiết nghĩ chúng ta cũng nên tuân giữ nhưng xét kỹ thì đó là do sự thiếu hiểu biết của chúng ta trong việc học hỏi và suy gẫm Lời Chúa chứ không phải là ý định đời đời của Đức Chúa Trời trong chương trình cứu chuộc đời đời của Ngài từ trước buổi sáng thế.
Rô-ma 5:8-10
8 Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.
9 Huống chi nay chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công bình, thì sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn thạnh nộ là dường nào!
10 Vì nếu khi chúng ta còn là thù nghịch cùng Đức Chúa Trời, mà đã được hòa thuận với Ngài bởi sự chết của Con Ngài, thì huống chi nay đã hòa thuận rồi, chúng ta sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu là dường nào!
Sứ đồ Phao-lô khẳng định sự cứu rỗi chắc chắn dành cho những kẻ tin nơi Huyết của Chúa Jesus để được xưng công bình. Nếu Huyết báu của Chúa Jesus tại thập tự giá có đủ quyền năng để cứu bạn từ nơi tối tăm đến nơi sáng láng, từ nơi tội lỗi đến sự công bình, từ tội nhân trở thành thánh nhân thì há Huyết ấy lại yếu kém hơn trong việc tiếp tục thanh tẩy đời sống của người đã được xưng công bình, đã được cứu, đã được nên thánh, đã được làm Con của Đức Chúa Trời hay sao?
Vậy sự xưng tội hoàn toàn có ý nghĩa trong cuộc sống trên đất này của bất cứ con người nào. Nó khiến cho tấm lòng chúng ta nhẹ nhàng hơn, không bị ám ảnh và nặng nề trong tâm trí. Sự xưng tội là một phương tiện tốt để chúng ta làm hòa với nhau chứ không phải với Đức Chúa Trời vì phương cách duy nhất để được hòa thuận với Đức Chúa Trời là "đã được hòa thuận với Ngài bởi sự chết của Con Ngài," (Rô-ma 5:10) chứ không phải bởi sự xưng tội của chúng ta. Chúng ta không được tha thứ bằng mồm mép và miệng lưỡi của chính mình nhưng chúng ta được tha thứ bằng Huyết của Chúa Jesus tại thập tự giá. Thừa nhận Huyết của Chúa Jesus đổ ra là để xóa sạch mọi tội lỗi chúng ta và tại thập tự giá ấy Đấng Christ - Đấng vô tội đã trở nên tội lỗi hầu cho qua đó chúng ta - một tội nhân đáng chết được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 5:21) là phương cách duy nhất khiến chúng ta được tha thứ hoàn toàn. Bất cứ một điều kiện nào khác được thêm vào cũng có ý nghĩa tương tự với việc phủ nhận, từ chối hoặc vô tình làm giảm giá trị và làm yếu kém đi phương cách chuộc tội đời đời của Đức Chúa Trời qua sự chết của Chúa Jesus Christ tại thập tự giá.
Sự xưng tội có thể là một bằng chứng tốt cho một người thật tâm muốn sửa chữa lỗi lầm, nhưng không có nghĩa rằng người ấy có thể được tha thứ và có thể sửa chữa lỗi lầm bằng sự xưng tội ấy. Ngược lại, sự xưng tội cũng có thể là bức màn để che dấu sự chai lỳ và sự vô tín của một người đối với phương thức chuộc tội của Đức Chúa Trời khi họ tiếp tục ủng hộ cho ý tưởng rằng cần phải xưng tội mới được Chúa tha thứ. Sự xưng tội có thể giúp thay đổi thái độ và cách hành xử của người khác với bạn khi họ thấy sự chân thành và thành thật của bạn. Sự xưng tội có vai trò, trọng trách của nó trong đời sống của bạn nhưng đừng biến nó trở thành công cụ khiến bạn trở nên vô tín với Lời của Đức Chúa Trời và với Huyết của Chúa Jesus Christ đã đổ ra để mua chuộc tất cả mọi tội lỗi của bạn. Amen!
Joshua Phạm
* Xin đọc thêm: http://tinhyeulalung.blogspot.com/2011/10/y-nghia-i-giang-1-anh-sang-cho-nhung.html
** Tham khảo: http://greekheb-strongs.scripturetext.com/mark/1.htm