Đức Chúa Trời đã bày tỏ ra sự công bình của Ngài qua luật pháp trước khi Chúa Jesus đem đến sự mạc khải trọn vẹn về Phúc Âm. Ngài kêu gọi qua các đấng tiên tri, Ngài ban ơn cho người vâng lời Ngài. Tuy vậy, trãi qua hàng ngàn năm Đức Chúa Trời không tìm thấy một ai được xưng công bình nhờ luật pháp. Dẫu rằng trước khi có luật pháp đã có một vài người đã được xưng là công bình trước mặt Đức Chúa Trời. Bởi vậy, Đấng Christ đã đến để bày tỏ về lẽ thật về sự xưng công bình mới của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể tóm tắt sứ điệp của Ngài bằng cụm từ quen thuộc: Phúc Âm. Qua Phúc Âm, Chúa Jesus đã bày tỏ sự công bình mới của Đức Chúa Trời (Ro 1:16-17) các đặc điểm của công bình này được giải thích tường tận trong phần này.
a. Bạn được xưng công bình ngoài luật pháp (3:21)
Theo luật pháp Cựu Ước, sự công bình đến bởi hành vi, việc làm nhưng theo Phúc Âm, sự công bình đến bởi tin và nhận. Luật pháp tự tỏ bày sự công bình của Đức Chúa Trời, vì luật pháp là “thánh, công bình và tốt lành” (Ro 7:12). Hơn nữa, luật pháp làm chứng cho sự công bình của Phúc Âm này cho dù rằng luật pháp không thể cung ứng sự công bình. Bắt đầu trong Sáng 3:15 và tiếp tục trải suốt trong toàn bộ Cựu Ước, bằng chứng cho sự cứu rỗi ấy là do đức tin nơi Đấng Christ. Của sinh tế trong Cựu Ước, các đấng tiên tri, các hình bóng, và “Chân Lý Phúc Âm” lớn lao (Es 53:1-12) tất cả đều làm chứng cho chân lý này. Luật pháp có thể làm chứng cho sự công bình của Đức Chúa Trời, nhưng luật pháp không thể cung ứng sự công bình cho loài người tội lỗi. Chỉ có Chúa Giê-su Christ mới có thể làm điều đó. (Ga 2:21).
Phương cách xưng công bình bởi luật pháp là hệ quả của sự vi phạm của tổ phụ loài người: A-đam và E-va đã chọn cây biết điều thiện và điều ác.
b. Bạn được xưng công bình bởi đức tin đến Đấng Christ (Ro 3:22a)
Chính vì lẽ đó, Chúa Jesus đã phải đến để trở thành một con người và đại diện con người để hoàn tất mọi yêu cầu xưng công chính của con người qua luật pháp. Để có thể bắt đầu hợp đồng mới thì hợp đồng cũ phải được hoàn thành và như vậy đối tượng bị ràng buộc trong hợp đồng ấy mới có thể được tự do để kí kết một hợp đồng mới. Có thể bạn sẽ nghĩ, người ta vẫn có thể kí cùng lúc nhiều hợp đồng mà? Yes đó là hợp đồng thương mại, kinh tế hay dịch vụ,... Ô không ở đây còn hơn như vậy: một giao ước. Giao ước là cụm từ chỉ về sự ràng buộc liên hệ đến sinh mạng, sự sống và cái chết. Trong quá khứ, khi hai người kết ước với nhau thì phải dùng máu để kết giao, để chứng minh cho sự ràng buộc chặt chẽ của giao ước, ý chỉ rằng: chỉ có cái chết mới có thể kết thúc giao ước đó. Kinh Thánh sử dụng hình ảnh về người chồng mới và người chồng cũ để mô tả về mối quan hệ này. (Xem Rô-ma 7:1-6). Một người nữ đã có chồng chỉ được phép tự do kết hôn với người nam khác khi người chồng cũ đã qua đời. Vâng luật pháp chính là người chồng cũ và người đó đã chết cùng với Chúa Jesus - con người duy nhất làm trọn mọi luật pháp - trên cây thập tự giá.
Một người nữ đã có chồng chỉ được phép tự do kết hôn với người nam khác khi người chồng cũ đã qua đời.
Vậy thì điều lành trở làm cớ cho tôi chết sao? Chẳng hề như vậy! Nhưng ấy là tội lỗi đã làm cho tôi chết, hầu khi nó nhân điều lành làm chết tôi, tự bày ra nó là tội lỗi; đến nỗi tội lỗi nhân điều răn trở nên cực ác.
Đó là lí do, tại sao Chúa Jesus không bao giờ thấy nan đề lớn trong những kẻ tội lỗi, bệnh tật hay yếu đuối nhưng Ngài cực kỳ khó chịu với những thầy dạy luật, thầy tế lễ, người Pha-ri-si,.. là những thành phần tiêu biểu cho sự tuân giữ khắc khe mọi luật lệ của luật pháp. Vì họ chứng minh một điều, con người càng cố gắng tuân giữ luật pháp họ sẽ càng phô bày sự gian ác, xấu xa, tội lỗi, giả hình của con người. Hãy suy gẫm điều này, để giữ ngày Sa-bát họ sẵn sàng lên án người đói với tay để bức bông lúa mỳ mà ăn, họ sẵn sàng chỉ trích Chúa Jesus đã vi phạm điều răn khi chữa lành người bại, họ sẵn sàng kêu gọi và chờ đợi Chúa Jesus ra lệnh ném đá vào người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội tà dâm,....
Bạn thấy không, căn cứ vào giao ước cũ, những người này đang làm những việc "công bình" nhưng đó là những việc đem đến sự chết, sự định tội và chịu phán xét. Thử nghĩ xem, trước khi Chúa Jesus đến để công bố về nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, những người đạo đức kia với đầy đủ mọi phẩm chất, tiêu chuẩn của luật pháp đã giết hại bao nhiêu sinh mạng, bao nhiêu con người khốn khổ rồi? Đó là lí do Kinh Thánh khẳng định: tội lỗi + điều răn = cực ác. Đó là công thức trong sự mặc khải của Kinh Thánh. không ai có thể hiểu được ý tưởng này ngoài Thánh Kinh. Vấn đề là hầu hết mọi người không nhận biết lẽ thật này. Mọi người đều nghĩ: điều răn sẽ khắc chế được tội lỗi. Luật pháp sẽ giúp con người tránh vi phạm nhưng ngay từ buổi sáng thế đó là ý tưởng ngược hoàn toàn với ý tưởng của Đức Chúa Trời. Ngài biết rõ sự yếu kém của luật pháp, điều răn nên đã cấm A-đam và E-va đụng đến (đừng nói chi là ăn) trái cây biết điều thiện và điều ác.
Kinh Thánh khẳng định: tội lỗi + điều răn = cực ác. Đó là công thức trong sự mặc khải của Kinh Thánh.
Vậy bạn có thể thắc mắc, làm sao con người có thể sống mà không có luật pháp đây? Vâng, tôi không có câu trả lời cho bạn vì cuộc sống như vậy vốn do chính Đức Chúa Trời tạo nên. Ngài vốn đã tạo nên thế giới hoàn hảo mà không cần dùng đến luật pháp. Con người khi ấy sống bởi hơi thở quyền năng của Đức Chúa Trời. Một thân thể được chính tay Ngài nắn nên, một tâm linh sống động của hơi thở của Ngài, một uy quyền, năng lực được ban cho để quản trị muôn loài, một người nữ từ xương từ thịt mình để giúp đỡ và làm cho đầy dẫy đất là những hình ảnh mà tâm trí của chúng ta có thể hình dung về cuộc sống không có luật pháp, điều răn. Khi ấy, họ không cần biết thiện hay ác và vẫn sống một cuộc đời làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, ở trong mối thông công mật thiết với Ngài. Nếu bạn được chính Đức Chúa Trời dẫn dắt bạn không còn cần đến luật pháp nữa vì Ngài sẽ dẫn bạn đi trong con đường công chính của Ngài.
Tuy nhiên, con người đã chọn sai. Họ chọn luật pháp từ buổi ban đầu và từ đó cuộc sống với sự nhận biết thiện -ác đúng sai đã ăn sâu vào trong tâm trí của con người. Và chính điều đó khiến con người ngày càng xa cách Đức Chúa Trời. Biết luật pháp chưa bao giờ khiến A-đam và Ê-va trở nên tốt hơn hay bằng với Đức Chúa Trời giống như lời quảng cáo của Sa-tan. Ngược lại, nó khiến họ thấy sự lõa lồ, xấu hổ. Nó đem đến sự sợ hãi, bất an và khiến họ xa cách với Cha yêu thương.
Biết luật pháp chưa bao giờ khiến A-đam và Ê-va trở nên tốt hơn hay bằng với Đức Chúa Trời giống như lời quảng cáo của Sa-tan.
Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời, Chúa Jesus đã đến để đem cho con người một cơ hội thứ hai để chọn lựa. Ngài đến để hoàn tất giao ước của luật pháp khi kêu lên rằng: "Mọi việc đã được trọn" (Giăng 19:29). Ngài đã hoàn thành trọn vẹn mọi đòi hỏi của luật pháp - sống một đời sống trọn vẹn, thánh khiết hoàn hảo theo tiêu chuẩn công bình của luật pháp. Căn cứ theo luật pháp thì Chúa Jesus là con người duy nhất đạt tiêu chuẩn người công bình tính từ khi luật pháp được ban cho qua Môi-se tại núi Si-nai. Trong sự mặc khải của Phúc Âm, Chúa Jesus chịu đóng đinh trên thập tự giá là để giết chết "ông chồng cũ" luật pháp của con người để bạn và tôi được trở thành người "nữ tự do". Và sau đó, khi Ngài sống lại từ cõi chết bởi quyền năng của Đức Chúa Trời con người có quyền để tiếp nhận người chồng thứ hai là Đấng Christ phục sinh. Và qua Đấng Christ con người nhận được sự xưng công bình theo cách mới: tin nhận Đấng Christ và trở thành "vợ" của Ngài. Ai đáp ứng được điều này sẽ được đón nhận vào trong gia đình của Đức Chúa Trời trong tư cách là người được thừa hưởng mọi quyền lợi từ giao ước mà Chúa Jesus Christ đã thiết lập với Đức Chúa Trời tại thập tự giá.
Ngày nay, nếu bạn đã tin Chúa Jesus nhưng vẫn cậy việc làm vào luật pháp để được xưng công bình thì bạn đã phạm tội "ngoại tình thuộc linh"
c. Sự xưng công bình là cho tất cả mọi người (Ro 3:22b-23)
Đức Chúa Trời ban luật pháp của Ngài cho người Do Thái, chớ không ban cho dân ngoại nhưng Phúc Âm Cứu Rỗi của Chúa Giê-xu Christ được ban cho tất cả mọi người. Mọi người đều cần sự cứu rỗi. Chẳng có sự phân biệt nào giữa người Do Thái với người ngoại bang khi sự đoán phạt xảy đến. “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Ro 3:23). Đức Chúa Trời tuyên bố mọi người đều có tội để Ngài có thể ban cho mọi người ơn cứu chuộc nhưng không.
d. Bạn được xưng công bình chỉ bởi ân điển (3:24)
Một trong những thuộc tính tuyệt đối của Đức Chúa Trời ấy là tình yêu thương: “Đức Chúa Trời là tình yêu thương” (IGi 4:8). Khi Đức Chúa Trời liên hệ tình yêu ấy cho bạn và tôi, tình yêu ấy trở nên ân điển và sự thương xót. Bởi lòng thương xót Ngài, Đức Chúa Trời không ban cho chúng ta những gì chúng ta đáng nhận, và bởi ân điển Đức Chúa Trời ban cho chúng ta những gì chúng ta không đáng nhận. Chữ “nhưng không” trong tiếng Hy Lạp được dịch là “không có nguyên do” trong Gi 15:25. Chúng ta được xưng công bình không có nguyên do! Chúng ta không có nguyên nhân nào xứng đáng nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trờí! Tất cả bởi ân điển!
e. Bạn được xưng công bình bởi sự chuộc tội trong Chúa Giê-xu Christ (Ro 3:24b-25)
Sự cứu rỗi không đòi giá, nhưng không rẻ tiền. Ba chữ diễn tả giá Đức Chúa Trời đã trả thay cho ơn cứu rỗi của chúng ta: Tế lễ vãn hồi, sự cứu chuộc và huyết. Trong ngôn ngữ loài người, “tế lễ vãn hồi” có nghĩa là dùng một món quà làm cho ai nguôi cơn giận. Nhưng đây không phải là điều nói đến trong Kinh Thánh. “Tế lễ vãn hồi” có nghĩa là thoả mãn luật pháp thánh khiết của Đức Chúa Trời, thoả đáp những đòi hỏi công bình của luật pháp, để Đức Chúa Trời có thể tha thứ dồi dào cho người chạy đến với Đấng Christ. Chữ “huyết” dạy chúng ta biết giá Chúa Giê-xu phải trả khi Ngài phải chịu chết trên thập tự giá để làm trọn luật pháp và xưng công bình cho tội nhân hư mất.
Minh hoạ có ý nghĩa nhất cho chân lý này là Ngày Đại lễ Chuôc Tội của dân Do Thái mô tả trong Le 16:1-34. Hai con dê được dâng nơi bàn thờ, một trong hai con ấy được chọn làm của lễ. Con dê bị giết và huyết nó được mang vào nơi chí thánh rảy trên nắp thi ân, nắp làm bằng vàng đặt trên hòm giao ước. Huyết rưới trên nắp thi ân bao phủ hai bảng luật pháp bên trong hòm giao ước. Huyết con sinh thoả mãn sự đòi hỏi công bình của Đức Chúa Trời thánh khiết (cách tạm thời).
Sau đó thầy tế lễ đặt tay người trên đầu con dê còn lại và xưng tội lỗi của dân chúng. Rồi người thả con dê vào trong đồng vắng biểu tượng cho tội lỗi được quăng xa khỏi dân chúng. “Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu thì Ngài cũng đem các sự vi phạm xa khỏi các ngươi cũng bấy nhiêu” (Thi 103:12). Trong thời Cựu Ước, huyết con thú không thể cất đi tội lỗi huyết con sinh chỉ có thể che đậy tội lỗi cho đến khi Chúa Giê-xu đến chuộc mua sự cứu rỗi đã hoàn tất. Đức Chúa Trời “đã bỏ qua các tội phạm trước kia” (Ro 3:25), biết rằng Con Ngài sẽ đến làm trọn công tác cứu chuộc. Vì sự chết và sống lại của Ngài, sẽ có “sự cứu chuộc” - tội nhân được chuộc mua và buông tha cho được tự do.
Một lần nọ Tiến sĩ G. Campbell Morgan cố tìm cách giải thích “sự cứu rỗi nhưng không” cho một người thợ mỏ, nhưng người thợ này không hiểu được ý nghĩa ấy. Người này cứ lý luận, “Tôi phải trả giá cho sự cứu rỗi”. Một tia sáng Chúa soi tỏ trong lòng, Tiến sĩ Morgan hỏi, “Sáng nay làm thế nào anh xuống được hầm mỏ?”. Người thợ mỏ đáp, “Ồ, thật đơn giản. Tôi chỉ ngồi vào thang máy và đi xuống, có vậy thôi.”
Sau đó Morgan hỏi, “Việc ấy đơn giản quá vậy sao? Anh không phải trả giá gì à?”
Người thợ mỏ cười. “Ồ không, tôi không phải trả thứ gì cả nhưng công ty đã trả một khoản tiền lớn để lắp đặt chiếc thang máy ấy”. Sau đó người thợ mỏ hiểu được chân lý: “Để được cứu tôi không trả một giá nào cả, nhưng Đức Chúa Trời đã trả xong bằng chính mạng sống Con Ngài.”
f. Bạn được xưng công nghĩa trong sự công bình trọn vẹn (3:25a-26)
Cho nên, ngày nay Kinh Thánh không hề tỏ ra e sợ mà gọi tất cả những người tin Chúa Jesus là những người thánh, trọn vẹn không chỗ trách được và là người công bình. Bạn có để ý, đầu thư gửi cho các Hội Thánh tại các thành phố khác nhau nhưng Phao-lô luôn gọi họ là "những người thánh, người được yêu dấu, gọi là thánh đồ,..." không? Có phải vì họ toàn là những người toàn hảo và trọn vẹn không? Không hề, nếu chúng ta đọc nội dung các thư tín ấy thì hầu hết các Hội Thánh đều có nan đề, có sai lầm, thậm chí là tội lỗi. Tuy vậy, những điều đó không hề khiến Phao-lô phải ngập ngừng trong việc gọi những người đó là người công bình, thánh khiết, nên thánh hay thánh đồ. Vì sao? Vì chính Phao-lô hiểu rất rõ về lẽ thật sự xưng công bình bởi đức tin và chính ông đã dành cả cuộc đời để công bố. Sự công chính của Đức Chúa Trời qua Chúa Jesus không còn căn cứ theo việc làm nữa mà căn cứ trên đức tin nơi công việc đã được thực hiện cách hoàn hảo trong Con yêu dấu của Ngài.
LÀM THỂ NÀO MÀ ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ THỂ GỌI ĐẤNG VÔ TỘI LÀ CÓ CÓ TỘI VÀ ĐÓNG ĐINH NGÀI TRÊN CÂY THẬP TỰ?
Làm thế nào Đức Chúa Trời vừa là “công bình và Đấng xưng công bình” được? Câu trả lời ở trong Chúa Jesus Christ. Khi Chúa Jesus gánh chịu sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời trên thập tự giá thay cho tội lỗi thế gian, Ngài làm thoả mãn trọn vẹn mọi đòi hỏi của luật pháp Đức Chúa Trời, và cũng bày tỏ trọn vẹn tình yêu của Đức Chúa Trời. Con sinh tế trong Cựu Ước không bao giờ cất đi tội lỗi nhưng khi Chúa Jesus chết, Ngài trở về từ A-đam và gánh lấy mọi tội lỗi ấy. Không ai (kể cả Sa-tan) có thể kiện cáo Đức Chúa Trời là không công bình hoặc bất công vì Ngài tha thứ mọi tội lỗi trong thời Cựu Ước.
g. Khi được xưng công bình bởi đức tin bạn làm vững mạnh luật pháp (Ro 3:27-31)
Vì các độc giả Do Thái, Phao-lô muốn nói nhiều hơn về mối liên hệ của Phúc Âm với luật pháp. Giáo lý xưng nghĩa bởi đức tin không nghịch lại với luật pháp, vì giáo lý ấy làm vững mạnh luật pháp. Nhưng giáo lý ấy trái ngược với niềm tin của người Do-thái cậy nơi việc làm theo luật pháp vì họ luôn tự hào về điều đó. Luật pháp được ban cho người Do-thái hầu cho để họ nhận biết Đấng Cứu Rỗi chứ không phải để họ được xưng công nghĩa. Luật pháp là thiêng liêng bởi nó đến từ Đức Chúa Trời nhưng bạn không được cứu bởi điều thiêng liêng ấy mà bạn được cứu bởi Đấng Thiêng Liêng đã trở nên bất khiết, dơ bẩn và tội lỗi thay bạn tại thập tự giá.
Đức Chúa Trời tuân theo luật pháp của Ngài trong việc tiến hành phương pháp cứu rỗi. Chúa Jesus sinh ra và chịu chết làm ứng nghiệm trọn vẹn những đòi hỏi của luật pháp. Đức Chúa Trời không có hai phương cách cứu rỗi, một cho người Do Thái và một cho người ngoại bang vì Ngài là một Đức Chúa Trời. Ngài nhất quán với bản thể và luật pháp của Ngài. Nếu cứu rỗi đến bởi luật pháp, lúc ấy con người có thể khoe khoang nhưng nguyên tắc đức tin không thể làm cho con người khoe khoang được.
Người bơi lội khi được cứu khỏi chết đuối không khoe khoang được vì anh ta tin cậy vào người cứu mạng. Anh có thể làm gì khác hơn? Khi một tội nhân ăn năn được xưng công nghĩa bởi đức tin, anh ta không thể khoe mình về đức tin, nhưng có thể khoe mình về Đấng Cứu Rỗi Lạ Lùng.
Joshua Pham